Multimedia Đọc Báo in

Cách làm hay từ mô hình tổ dân vận ở Ea Kar

07:24, 17/02/2022

Từ nhiều năm nay, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) đã thành lập các tổ dân vận bám sát địa bàn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa phương. 

Tập hợp những "hạt nhân" dân vận khéo

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, năm 2012, Đảng ủy thị trấn Ea Kar đã chọn buôn M’rông C và buôn T’lung làm điểm để thành lập tổ dân vận, sau đó nhân rộng ra 16 buôn, tổ dân phố trên địa bàn.

Thành viên tổ dân vận gồm các đồng chí trong cấp ủy, ban tự quản, chi hội trưởng các đoàn thể, già làng, người có uy tín. Mỗi tổ dân vận đều xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, phối hợp chặt chẽ với Đội công tác 253 thị trấn tổ chức phát động quần chúng.

Tổ dân vận đã bám sát địa bàn, tham mưu Đảng ủy triển khai công tác tuyên truyền, đề xuất nhiều giải pháp trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự.

Hội LHPN thị trấn Ea Kar trao vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ các buôn trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận, xây dựng các “vệ tinh” kết nối, cập nhật kịp thời thông tin ở cơ sở, Đội công tác 253 thị trấn đã phân công 6 thành viên của đội cùng tham gia 6 tổ dân vận của 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

“Hoạt động của các tổ dân vận thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Ea Kar đã thực sự đi vào nền nếp, phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phát động quần chúng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và đã trở thành “cầu nối” quan trọng giữa chính quyền với nhân dân”

Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ea Kar Y Long Mlô.

Với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”, các tổ dân vận ở thị trấn đã chủ động tạo mối quan hệ mật thiết, gần gũi với người dân, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề có liên quan như phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đô thị văn minh, phòng, chống dịch bệnh trong các cuộc họp buôn, tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, các sinh hoạt cộng đồng.

Sâu sát địa bàn

Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân buôn Ea Kdruôl, buôn M’rông C, thị trấn Ea Kar còn khó khăn, thiếu thốn vì chỉ độc canh cây lúa, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên. Một số thanh niên hay tụ tập nhậu nhẹt, chưa chăm lo làm ăn. Trước thực tế đó, già làng Y Jút BKrông, Bí thư Chi bộ buôn Ea Kdruôl, thành viên Đội công tác 253 thị trấn đã cùng tổ dân vận và các đoàn thể của hai buôn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ canh tác lúa 1 vụ sang 2 vụ/năm, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các gia đình thanh thiếu niên hư hỏng một cách mềm mỏng; đưa một số đối tượng ra kiểm điểm trước dân; vận động phụ nữ, thanh niên đổi công giúp nhau trồng tỉa, thu hoạch. Qua đó đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, nuôi dạy, giáo dục con cái.

Ông Y Jút Bkrông (bìa phải), già làng, người có uy tín, Bí thư Chi bộ buôn Ea Kdruôl gặp gỡ, nắm bắt tình hình đời sống người dân trong buôn. (Ảnh chụp trước thời điểm tháng 4/2021).

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động giữ gìn an ninh trật tự, các tổ dân vận còn phát huy vai trò trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đơn cử như tại buôn T’lung, để vận động người dân hiến đất mở rộng đường, tổ dân vận buôn đã trực tiếp đến tuyên truyền, thuyết phục gia đình ông Y Măc Niê hiến 700 m2 đất để làm gương cho bà con. Không những vậy, tổ dân vận buôn và Đội công tác 253 thị trấn nắm bắt vướng mắc của gia đình anh Y Ruê Niê về việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rẫy, nên đã mời lãnh đạo UBND thị trấn và cán bộ địa chính cùng tìm hiểu, có phương án giải quyết. Cách làm thấu tình, đạt lý ấy giúp “đả thông” tư tưởng và gia đình anh Y Ruê đã tự nguyện hiến 450 m2 đất mở đường, giải quyết được vụ việc tồn đọng nhiều năm.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Đội trưởng Đội công tác 253 thị trấn Ea Kar, thành viên tổ dân vận buôn Ea Kdruôl, công tác tuyên truyền, vận động khiến người dân thay đổi nhận thức, hành động là quá trình lâu dài, đòi hỏi các thành viên tổ dân vận phải kiên trì, mềm dẻo theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Để có thể “Dân vận khéo” không chỉ cần sự nhiệt tình, tận tâm mà phải biết tranh thủ tiếng nói, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư như già làng, lực lượng cốt cán, chức sắc tôn giáo, người có tiếng nói trong các dòng họ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.