Multimedia Đọc Báo in

“Góc nhìn” khách quan của người dân qua Chỉ số PAPI

09:34, 14/02/2022

Tại Hội thảo “Cải thiện hiệu quả quản trị và cải cách hành chính công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025” do UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức vào cuối tháng 1/2022, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam Đỗ Thanh Huyền đã công bố kết quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh trên toàn quốc, giúp địa phương có cơ sở so sánh và tìm giải pháp cải thiện.

Theo kết quả khảo sát của năm 2020 thì Đắk Lắk là một trong những địa phương có chỉ số PAPI thấp, đạt 41,53 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh thành. Kết quả này trùng khớp với đánh giá rất thẳng thắn trong Dự thảo Đề án cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 của Sở Nội vụ. Theo đó, nếu như năm 2016 chỉ số PAPI của Đắk Lắk đạt 35,65 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh thành thì đến năm 2020 đã giảm xuống đến 17 bậc. 

Chỉ số PAPI (The Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index) là chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Đây chính là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương, phản ánh khá chính xác mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy nhà nước.

Công an huyện Buôn Đôn hướng dẫn thủ tục làm căn cước công dân. Ảnh minh họa
Công an huyện Buôn Đôn hướng dẫn thủ tục làm căn cước công dân. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia Đỗ Thanh Huyền phân tích: Một trong những “điểm trừ” dẫn đến chỉ số PAPI thấp không riêng gì Đắk Lắk mà nhiều địa phương trong cả nước vấp phải là ở chỉ số nội dung công khai minh bạch, thể hiện rõ nhất qua 4 phân nhóm: Công khai minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công và thủ tục hành chính công. Đây là những nội dung, lĩnh vực liên quan thiết thực với người dân mà họ phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc trực tiếp với bộ máy công quyền nên bản thân hiểu hơn ai hết những bất cập, tồn tại. Minh chứng rõ nét là có đến trên 70% người dân khi được khảo sát cho biết cần phải “lót tay”, hoặc “bôi trơn” để có thể nhanh chóng hoàn thành các thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai. Từ thực tế trên, chuyên gia Đỗ Thanh Huyền cho rằng, để cải thiện chỉ số PAPI thì giải pháp ưu tiên, quyết định phải là công khai, minh bạch thủ tục hành chính, kết hợp kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng trong lĩnh vực công và thủ tục hành chính công.

Từ “góc nhìn” khách quan của người dân, thể hiện cụ thể qua Chỉ số PAPI, cùng ý kiến tư vấn, đề xuất giải pháp của chuyên gia tại hội thảo, trên tinh thần hết sức cầu thị, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế tồn tại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, giai đoạn 2021 - 2025 Đắk Lắk quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính hiệu quả, thiết thực nhất, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính công hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất; và tất nhiên lúc bấy giờ người dân tiếp tục là trung tâm, “tấm gương” phản chiếu chuẩn xác nhất về tính hiệu quả của công tác cải cách hành chính của địa phương, giai đoạn 2021 - 2025.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.