Mục tiêu bao trùm là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân
Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho toàn dân là một chủ trương đúng và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước.
Mục tiêu cuối cùng và bao trùm là mang lại cho nhân dân một cuộc sống tốt đẹp, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Sinh thời, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm và xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trong việc quan tâm chăm lo đời sống nhân dân. Quán triệt, kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội, tại Đại hội X, Đảng ta xác định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết việc làm, khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội”. Chủ trương của Đảng về an sinh xã hội của Đại hội X mở rộng nhiều lĩnh vực như: Xóa đói, giảm nghèo, đa dạng hóa hình thức bảo hiểm, trợ giúp những người yếu thế trong xã hội... Các lĩnh vực này gắn kết với nhau, tạo thành “lưới an sinh xã hội” bảo vệ cuộc sống người dân.
Người lao động làm hồ sơ, thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Lan Anh |
Đại hội lần thứ XI (2011) của Đảng nhấn mạnh: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”. Đồng thời, Đại hội cũng tổng kết thành một trong những bài học quan trọng: “Phải coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm”.
“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Tại Đại hội XII (2016), Đảng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu thực hiện chính sách xã hội nhằm: “... bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”.
Thực tế, Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao trong việc hoàn thành xuất sắc mục tiêu thiên niên kỷ như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, chăm sóc sức khỏe toàn dân... Đây là thành tựu thể hiện nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đồng thời thể hiện rõ bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách, nhất là chính sách an sinh xã hội phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Quan điểm của Đảng ta là mở rộng các đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Theo đó, Đại hội XIII đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về xã hội: “Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi”.
Trao quà hỗ trợ người khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Để đạt mục tiêu trên, Đảng ta đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”, “Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc xin phòng COVID-19 cho cộng đồng”, “phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”...
Ngày 27/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP “Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025” (có hiệu lực từ ngày 15/3/2021). Theo đó, từ năm 2022 - 2025, khái niệm nghèo đa chiều sẽ được dựa theo các tiêu chí đo lường về thu nhập, mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Có thể khẳng định, Đảng ta luôn tìm tòi, xây dựng mô hình an sinh xã hội phù hợp với điều kiện của đất nước, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Dễ thấy nhất là thời gian qua, mặc dù hậu quả do dịch COVID-19 tác động rất nặng nề đối với nền kinh tế nhưng việc Đảng, Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động tự do... có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc