Multimedia Đọc Báo in

Vùng căn cứ H11 hôm nay

10:33, 26/04/2022

Hơn 45 năm sau ngày đất nước giải phóng, khu căn cứ H11 năm xưa (nay là buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đang “thay da đổi thịt” từng ngày...

Tiếp và trò chuyện với chúng tôi trong nếp nhà dài, già làng Y Brah Niê (77 tuổi) hồi tưởng những tháng ngày gian khó nhưng bất khuất, kiên trung của người dân buôn Ea Bhốk. Năm 1956, 40 hộ dân mắc bệnh phong dạng nhẹ được chuyển từ trại phong Ea Na (huyện Krông Ana) về buôn Băng Phốc (nay gọi là Ea Bhốk) sinh sống. Mang trong mình di chứng của bệnh tật, sức khỏe héo mòn, nhưng bà con vẫn bám đất, bám buôn, chăm chỉ lao động sản xuất. 

Năm 1973, bộ đội chủ lực của ta về buôn Ea Bhốk đặt khu căn cứ H11 để hoạt động cách mạng. Biết tin bộ đội về buôn, bà con mừng lắm. Hằng ngày, tranh thủ những lúc lên nương rẫy, bà con lại cử nhau băng rừng, lội suối tiếp tế muối, gạo và truyền tin cho bộ đội. Địch không hề ngờ rằng, chính “buôn cùi” nơi mà chúng e ngại căn bệnh truyền nhiễm mà cách ly người dân lại là căn cứ hoạt động cách mạng bí mật.

Người dân buôn Ea Bhốk vui mừng trước mùa lúa bội thu.

Suốt những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, người dân buôn làng luôn tin tưởng sắt son một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Nhiều người bị địch bắt giam, tra tấn nhưng quyết không khai nơi đóng quân của bộ đội. Chính sự kiên trung đó đã góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo lời kể của già Y Brah, sau giải phóng, người dân trong buôn bắt tay xây dựng cuộc sống mới với bao gian khó. Thời ấy, cả buôn chỉ có vài nóc nhà tạm bợ, xiêu vẹo, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng sự cần cù chịu khó, đổi thay trong tư duy, lối sống, buôn làng nay đã có nhiều khởi sắc.

Toàn buôn hiện có 204 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu. Thay vì canh tác lúa nước như trước, bà con đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt và sản xuất hiện đại.

Nhìn lại những đổi thay của buôn làng, già Y Brah tâm tình: “So với trước đây thì cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn nhiều. Tuyến đường liên xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao thương kinh tế. Tất cả trẻ em đều được đi học đúng độ tuổi. 100% số hộ có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trong buôn ngày được nâng cao. Hằng năm Ea Bhốk đều đạt danh hiệu buôn văn hóa”.

Tuyến đường nội buôn Ea Bhốk được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con. 

Song song với phát triển kinh tế xã hội, các tổ chức, đoàn thể trong buôn cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là sự quan tâm đầu tư thiết thực qua việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con em dân tộc thiểu số…

Chứng tích “buôn cùi” vẫn còn hiện hữu. Hơn 20 người bị di chứng nặng của bệnh phong phải cắt bỏ một phần chi vẫn tràn đầy nghị lực sống, đóng góp công sức trong dựng xây buôn làng. Thế hệ của Y Bhă Byă, Y Bhêc Niê, Y Lot Niê - những người con của vùng căn cứ H11 từng bị quân thù bắt bớ, tù đày, tra tấn vì nuôi giấu chiến sĩ cách mạng, nay đã khuất núi, nhưng những câu chuyện về họ vẫn được kể, thắp tiếp niềm tin son sắt vào Đảng, cách mạng cho lớp trẻ mai sau.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.