Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Xem xét, đánh giá các dự án Luật: Dầu khí, Tần số vô tuyến điện và Nghị quyết thí điểm mô hình lao động, dạy nghề cho phạm nhân

12:40, 03/06/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 3/6, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe trình bày các tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; đồng thời xem xét các tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi…

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bố cục gồm 11 chương, 64 điều. Luật kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết đang có hiệu lực. Luật bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (không mẫu thuẫn, chồng chéo với các luật khác), các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật kèm theo.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về "không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu," quy định về "liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu."

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành phiên làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về phương pháp và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu; hủy thầu; xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu; cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi...

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân khác phải dừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển. Đối với việc bổ sung khoản 4 vào Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Trước mắt, chưa nên quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong dự án Luật vì khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước…

Đại biểu tham dự phiên làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu tham dự phiên làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã xem xét, đánh giá tờ trình, báo cáo thẩm tra và dành nhiều thời gian thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Các đại biểu cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với phạm nhân trong việc cải tạo, giáo dục và chuẩn bị trước một bước giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm áp lực của Nhà nước trong công tác quản lý giáo dục, chấp hành án phạt tù. Trong những năm qua thực hiện việc hướng nghiệp, dạy nghề lao động cho phạm nhân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thực hiện trong trại giam, nhưng cơ sở vật chất hạn chế, ngành nghề đào tạo không phong phú và chưa được đầu tư thỏa đáng.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và trại giam trong hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành án phạt tù chưa được quan tâm đúng mức; thụ hưởng các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại các trại giam trú đóng trên địa bàn tỉnh, thành còn nhiều bất cập; địa phương chưa dành nhiều nguồn lực và thời gian thực hiện các hoạt động này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho phạm nhân….

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, các đại biểu cho rằng cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đại biểu cũng lưu ý việc thực hiện thí điểm nhưng cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.