Multimedia Đọc Báo in

Những chặng đường tự hào của Báo chí Cách mạng Đắk Lắk

15:45, 27/06/2022

Trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam có một phụ lưu nhập vào rất sớm, đó là báo chí cách mạng Đắk Lắk. Ngay từ thời kỳ 1930 – 1945, báo chí Đắk Lắk đã góp mặt.

Nhiều nhân tố tác động đến báo chí thời kỳ này như: Tù chính trị Phan Đăng Lưu, một mặt đấu tranh bền bỉ chống kẻ thù, mặt khác ông còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của anh em chiến sĩ.

Năm 1934, bài báo do đồng chí Phan Đăng Lưu viết gửi ra ngoài đã tố cáo trực tiếp chế độ đày ải của Nhà đày Buôn Ma Thuột: “10 giờ ngày 5 tháng 9 năm 1934, toàn quyền Rô Đanh, Khâm sứ Trung kỳ Gơrap – Phơi và một số quan chức tháp tùng nữ nhà báo Violet (Andrê) đến thị sát Nhà đày Buôn Ma Thuột và tình trạng Nhà đày Buôn Ma Thuột được phản ánh trong cuốn Đông Dương kêu cứu (Indochinoi SOS). Từ đó cuộc đấu tranh tại đây có thêm lòng tin vào sự thắng lợi và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Đắk Lắk”.

Năm 1934, đồng chí Hồ Tùng Mậu được chuyển từ miền Trung lên giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đồng chí ở đây mãi đến năm 1941 mới hết hạn tù. Dù bị giam cầm, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, vẫn dạy tiếng Hoa cho các tù nhân, vẫn làm báo, làm thơ, hoạt động văn nghệ để động viên, khích lệ phong trào đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản.

Học sinh tham quan, tìm hiểu về Nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Thời kỳ 1945 – 1954:

Cùng với tờ Thông tin Tây Nguyên, tờ N’Trang Lơng, tờ báo Buôn Hồ đã kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng từ trong cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột như các báo viết tay: báo Xích sắt, báo Yuăn – Êđê… Trong những năm 1930 – 1945, góp phần cổ vũ động viên Đảng bộ và quân dân các dân tộc Đắk Lắk xây dựng lực lượng, sản xuất, chiến đấu và chiến thắng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Thời kỳ 1954 – 1975:

Các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ, thơ ca hồi đó đều nhằm giáo dục, động viên tinh thần chiến đấu hy sinh gian khổ, giữ vững khí tiết người đảng viên, không đầu hàng, không khai báo, không theo địch, giữ vững lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Tờ báo Thống Nhất ra hằng tháng khổ 13x19, dày 15 – 20 trang, in litô do đồng chí Ama Ta (Nguyễn Quang Thông) phụ trách.

Những tờ báo lưu hành trong dịa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cùng một số tài liệu tuyên truyền khác thời kỳ này đều được in tại nhà in Giải phóng khu V miền Trung trung bộ (mật danh hồi đó là X22, sau này được đổi là C9) đóng tại một khu rừng của tỉnh Quảng Đà. Lúc đầu, báo được in bằng máy đẩy tay, sau này được in bằng máy đạp chân hiệu Miner của Pháp.

Đầu năm 1968, sau khi nhận chủ trương của Trung ương Đảng về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trực tiếp chỉ đạo Tiểu ban Tuyên huấn (gồm báo, in, huấn học) khẩn trương ra các số báo đặc biệt để phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Lúc này, khu căn cứ kháng chiến của Đắk Lắk có thêm các tờ báo: Giải phóng, Tạp chí học tập, Bản tin (ba thứ tiếng Việt – Êđê – J’rai).

Thời kỳ từ 1975 đến nay:

Báo chí Đắk Lắk phát triển, không ngừng lớn mạnh. Khoa học – công nghệ thông tin giúp báo chí thuận lợi. Báo Đắk Lắk đã xuất bản các ngày trong tuần, có số cuối tuần và nguyệt san, có báo điện tử. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phủ sóng cả địa bàn và các vùng phụ cận. Về văn học – nghệ thuật có Tạp chí Chư Yang Sin xuất bản hằng tháng cùng nhiều tập san, bản tin của các ban, ngành. Ngoài báo địa phương còn có các cơ quan thường trú như Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk phần lớn có trình độ đại học, cao đẳng, nhiều người có trình độ lý luận cao cấp hoặc trung cấp. Các nhà báo đều nhiệt thành, có tâm và có tầm xứng đáng là đội ngũ tin cậy của Đảng.

Thật tự hào về truyền thống báo chí cách mạng của Đắk Lắk.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.