Multimedia Đọc Báo in

Tiếp bước hành trình dấu chân phía trước

09:48, 27/06/2022

Cách đây 111 năm (ngày 5/6/1911), với ý chí, khát vọng cháy bỏng là cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là hành trình sáng tạo vĩ đại – hành trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Hành trình lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội

Hành trang Nguyễn Tất Thành mang theo là khát vọng giải phóng dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước. Bởi vậy, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, Nguyễn Tất Thành đã nhận ra: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Chính vì vậy, khi bắt gặp và đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin (tháng 7/1920), Người đã kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó cũng chính là tiêu chí để Người quyết định bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Từ sự lựa chọn đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đến Liên Xô, quê hương của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười và là Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy những ưu việt của chủ nghĩa xã hội: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”, Việt Nam đã mất công làm cách mạng thì nên đi theo con đường Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, khi đất nước độc lập cần đi ngay lên chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản. Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản theo con đường riêng của Người, đó là: từ một người dân thuộc địa trong hoàn cảnh phong trào công nhân chưa phát triển, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa rọi tới, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân quốc tế, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản. Như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.

Theo chân Bác

92 năm qua, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử mới: cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo, quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu

Qua 36 năm đổi mới, nhờ vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Qua đó, khẳng định: “Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.

Rõ ràng, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn của 36 năm đổi mới là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nước ta. Ðồng thời đó cũng là sự bác bỏ đanh thép những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Ðảng, phủ nhận con đường chủ nghĩa xã hội, tách rời, đối lập độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận những thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong đổi mới. Do đó, cần kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ và phát triển đường lối đổi mới, thành quả của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn hiện nay, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo con đường Bác Hồ đã chọn. Điều đó thể hiện ở một tầm cao mới, lộ trình phát triển đất nước với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045, thể hiện khát vọng Việt Nam: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Hiện thực khát vọng ấy là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, là ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của ý Đảng quyện lòng dân, là bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vươn lên phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và quyết tâm đó cũng chính là tiếp bước hành trình dấu chân phía trước của Bác Hồ kính yêu.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.