Multimedia Đọc Báo in

Không chỉ là tuân thủ cách thức viết hoa từ "Nhân dân"

15:12, 27/07/2022

Là một người làm trong ngành giáo dục, những năm gần đây tôi thường phải sửa lỗi viết hoa từ “Nhân dân” khi hướng dẫn sinh viên thực hành việc soạn thảo văn bản hành chính và luôn nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề tuân thủ thể thức văn bản mà còn chứa đựng những vấn đề sâu hơn liên quan việc tuân thủ Hiến pháp 2013 cũng như tư tưởng “dân vi bản” của nhiều thế hệ người Việt.

Quyền lập pháp là của Nhân dân, do vậy Nhà nước không được phép đặt ra những quy định trái với nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân nhưng thực tế vẫn đang tồn tại những quy định, điều khoản đặt ra làm Nhân dân bị “sốc” vì sự xa lạ với đời sống xã hội của nó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Quyền hành pháp là của Nhân dân, do đó toàn bộ tổ chức, hoạt động, thủ tục, quy trình, và đội ngũ công chức hành chính phải tổ chức thực thi pháp luật và quản lý xã hội sao cho người dân có cuộc sống và công việc diễn ra thuận tiện và có lợi nhất.

Thực tế thì đã có những trường hợp mỗi địa phương hiểu và thực thi chính sách, luật pháp theo những cách khác nhau hoặc áp dụng cứng nhắc, cực đoan gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân. Gần đây nhất là những câu chuyện liên quan việc áp dụng thiếu linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch COVID–19 ở một số địa phương đã có những thời điểm khiến đời sống của người dân khó khăn.

Quyền tư pháp của Nhân dân đòi hỏi công lý phải được thực thi một cách nghiêm minh nhưng không thể phủ nhận là hiện nay, người dân đang hao mòn niềm tin trước tình trạng tham nhũng.

Như vậy, Hiến pháp 2013 đã thể hiện đúng vai trò, vị trí của Nhân dân, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP cũng đã giải thích rõ các trường hợp viết hoa trong các văn bản hành chính. Do đó, việc viết hoa từ “Nhân dân” cần được tuân thủ. Lẽ dĩ nhiên, về mặt kỹ thuật, cũng chẳng khó khăn gì khi viết hoa từ “Nhân dân”. Nhưng “Nhân dân” viết hoa trong Hiến pháp chỉ có ý nghĩa khi người dân được bảo đảm địa vị người chủ đất nước trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

Xây dựng và bảo đảm vận hành những thể chế dân chủ nhà nước và xã hội chính là viết hoa “Nhân dân” bằng hành động, là nói đi đôi với làm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên. Mong rằng không những vai trò chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước được tôn trọng, mà các quyền con người, quyền công dân cụ thể cũng được phát huy và tôn trọng, được bảo đảm thi hành trong thực tế.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.