Multimedia Đọc Báo in

Không thể xuyên tạc thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám

09:32, 20/08/2022

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc – thực dân.

Bài học lớn, xuyên suốt quá trình trong Cách mạng Tháng Tám là bài học về thời cơ cách mạng, là sự kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp; là sự kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, trong đó chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ tối cao của cách mạng.

Vậy mà, những phần tử cơ hội, xét lại trong và ngoài nước cố tình phủ nhận thành quả vĩ đại ấy của dân tộc. Cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của Cộng sản Việt Minh”?! mà không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Thực chất, những luận điệu mang tính phủ nhận lịch sử, xuyên tạc lịch sử với mục đích để “nhuộm đen” tinh thần, “nhuộm đen” tư tưởng của các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ phản động ấy là vấn đề cấp thiết và thời sự hiện nay.

Lịch sử là sự thật, luôn khách quan và công bằng. Nhìn lại lịch sử dân tộc ta những năm 30, 40 của thế kỷ 20, chắc chắn rằng tất cả những người có lương tri, có tư duy đều dễ dàng nhận thấy thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh của toàn dân tộc. Đặc biệt, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhờ có tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta trong xác định, lựa chọn thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Dự báo thời cơ: Ngay từ những năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Bây giờ tình hình phát triển cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới, nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm cho nguy khốn. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng tới thành công”(1). Trên cơ sở phân tích đó, cả nước chuẩn bị mọi điều kiện cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân bằng việc xây dựng lực lượng chính trị; xây dựng lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ địa cách mạng…

Khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra (7/12/1941), không ít ý kiến cho rằng, cuộc chiến tranh này đã tạo ra thời cơ chín muồi cho cuộc cách mạng ở Đông Dương, tình hình đã bước vào thời kỳ trực tiếp của cách mạng. Nhưng, Đảng ta nhận định, điều kiện chưa đủ chín muồi, chưa thể có tình thế cách mạng. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, nếu tình thế chưa cho phép khởi nghĩa mà cứ khởi nghĩa thì khác nào ném đội tiền phong vào một cuộc chiến đấu mạo hiểm, không có triển vọng giành thắng lợi, không thể đưa phong trào tiến lên phía trước.

Nắm bắt thời cơ: Bước sang những năm 1943 - 1944, Đảng ta phân tích một cách khách quan, toàn diện tương quan lực lượng giữa Nhật, Pháp, “Chúng ta đang tiến tới tình hình tổng khủng hoảng chính trị ở Đông Dương. Phải kịp mài gươm, lắp súng để mai đây Nhật, Pháp bắn nhau, kịp nổi dậy tiêu diệt chúng, giành lại giang san, Tổ quốc”(2). Và khẩn thiết kêu gọi: “Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó”(3). Tháng 10/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra dự báo: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh”(4).

Chọn thời cơ lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân: Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tình thế mới tạo ra điều kiện và thời cơ mới. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo”(5). Theo đó, ngày 12/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng ban hành Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Theo đó, chủ trương cách mạng nước ta phải phát triển từ khởi nghĩa từng phần, giải phóng từng địa phương, từng vùng, thành lập căn cứ địa và chính quyền cách mạng ở cơ sở.

Ngày 13/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh. Nắm bắt thời cơ, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ban hành Lệnh khởi nghĩa.

Ngày 16/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(6). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề nổi dậy, cách mạng nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.

Rõ ràng, nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng lúc, đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ; đồng thời, kiên quyết chớp thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám là một trong những bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Thành quả Cách mạng tháng Tám là hiện thực, có giá trị vĩnh hằng, không thể phủ nhận. Với Cách mạng Tháng Tám,“Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(7). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc kỷ nguyên độc lập, tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Cẩm Trang

Tài liệu tham khảo

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t.7, tr.118.

(2)Trường Chinh: Cách mạng dân tôc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. CTQG, H. Tập 1, tr. 294.

(3)Trường Chinh: Cách mạng dân tôc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. CTQG, H. Tập 1, tr. 295.

(4)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2000, tập 3, tr 505-50.

(5)ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2000, t. 7, tr.367.

(6)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 596.

(7)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQGST, H.2011, t.4, tr.3.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.