"4 không, 4 dám": Đảng mạnh dân tin (Kỳ 1)
Cùng với những thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực mà đất nước đã đạt được, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những “điểm sáng”, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định đây là “cuộc chiến” không ngừng không nghỉ.
Để Đảng mạnh dân tin, giải pháp căn cơ mà Đại hội xác định đó là phải "nhốt quyền lực" vào "lồng cơ chế" nhưng không triệt tiêu ý chí hành động của cán bộ đảng viên, để cán bộ, đảng viên "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng mà vẫn “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám đột phá”, “dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung”.
Kỳ 1: Chống “giặc nội xâm”: Kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ
Sau 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Không có "vùng cấm", không có ngoại lệ
Xác định tầm quan trọng của cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử nhằm phòng ngừa, phát hiện, các hành vi tham nhũng, xử lý nghiêm minh để răn đe, hạn chế đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.
Trong giai đoạn (2010 - 2020), qua công tác kiểm tra, giám sát đã xử lý trách nhiệm về đảng, chính quyền đối với 10 người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị; qua công tác tự kiểm tra trong nội bộ đã phát hiện 1 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 54 đảng viên; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật đối với 139 đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, cố ý làm trái và đảng viên kê khai tài sản không trung thực. Toàn tỉnh cũng đã tiến hành 14.677 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện 13.816 đơn vị có sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 319 tỷ đồng; phát hiện 12 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.
Trong năm 2021, qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm toán và qua phản ánh, tố cáo đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm về công tác PCTNTC; Viện KSND tỉnh đã truy tố 6 vụ, 24 bị can; TAND tỉnh đã giải quyết, xét xử 10 vụ/25 bị cáo về tội tham nhũng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các vụ việc, vụ án đã được xử lý kịp thời, tạo hiệu ứng tích cực trong việc giáo dục, răn đe cũng như nhân thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” không ngừng, không nghỉ của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất. Trong ảnh: Nhân dân Đắk Lắk vui mừng đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana năm 2018. Ảnh: Hoàng Gia |
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức vào cuối tháng 6/2022, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cho biết: Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước), trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so nhiệm kỳ XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị xử lý của nhiệm kỳ XII), trong đó có 8 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng.
“Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC Nguyễn Phú Trọng
|
Những kết quả này là minh chứng cho ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong cuộc chiến PCTNTC không ngừng, không nghỉ. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm "nói đi đôi với làm", không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".
Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Sau 10 năm, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã tạo bước tiến mạnh mẽ, đột phá, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (tháng 5/2022) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh càng khẳng định công cuộc PCTNTC của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết liệt, đồng bộ "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!" từ Trung ương đến địa phương.
Tại Hội nghị Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Đắk Lắk ngày 22/6/2022, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung khẳng định: Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm, sự khẩn trương, nghiêm túc trong công tác đấu tranh PCTNTC của tỉnh. Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát các quy định của Trung ương và quy chế làm việc để hoạt động; tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC, nhất là trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm; yêu cầu các thành viên tuyệt đối chấp hành các chủ trương của Đảng và các quy định pháp luật, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tính đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh. Việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh là quyết định mang tính đột phá để ban chỉ đạo cấp tỉnh trở thành “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân, vụ việc tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương; đồng thời giúp nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (bìa phải) cùng Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. Ảnh: Minh Thông |
Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức trở thành vấn đề cấp bách, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống ra khỏi bộ máy của các cơ quan công quyền, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Hiện thực hóa quyết tâm “4 không”
Lê Hương - Nguyễn Xuân - Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc