Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc đặc biệt khi vẽ tranh về Bác Hồ

03:47, 02/09/2022

Hơn 30 năm vẽ tranh tuyên truyền, cổ động, truyền thần, họa sĩ Ngô Đức Trị (50 tuổi, trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã vẽ hàng trăm bức chân dung, phác họa, ký họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong các cơ quan, đơn vị quân đội trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên, tranh của anh rất quen thuộc, gần gũi. Với Ngô Đức Trị, mỗi lần được vẽ Bác Hồ là một lần rưng rưng xúc động, hạnh phúc, tự hào, sáng tạo thăng hoa.

Con đường đến với nghề vẽ tranh tuyên truyền, cổ động của họa sĩ Ngô Đức Trị khá thú vị. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh được gia đình cho đi học vẽ truyền thần. Khi đó, máy ảnh, điện thoại và các công nghệ in ấn chưa phát triển như bây giờ nên nghề này khá ổn. Ít lâu sau, thấy bạn bè đồng trang lứa lần lượt được gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh hăng hái xung phong và trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Biết Trị là họa sĩ, sau khóa huấn luyện tân binh, Phòng Chính trị Sư đoàn “rút” anh lên tăng cường vẽ tranh tuyên truyền, cổ động. Thấy anh vẽ đẹp lại có hồn, các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn liên tục mời anh đến vẽ tranh. Bén duyên với nghề, sau khi xuất ngũ, Trị thường xuyên cộng tác, vẽ tranh tuyên truyền, cổ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Khu 5 và khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Họa sĩ Ngô Đức Trị đang hoàn thiện một bức chân dung Bác Hồ.

Bên bức tranh tường “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” rộng gần 30 m2, chất liệu sơn dầu công nghiệp do mình sáng tác vừa mới hoàn thành, họa sĩ Ngô Đức Trị cho biết: “Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại, quen thuộc, gần gũi đối với mỗi người dân. Song, muốn chuyển tải chân thực, đậm nét những cốt cách, thần thái, tác phong, đạo đức của Người qua nét vẽ lại không hề đơn giản. Trước khi vẽ Bác, tôi đã nghiên cứu rất nhiều thước phim, hình ảnh, tư liệu, câu chuyện về Người, rồi chắt lọc cho mình những chi tiết độc đáo, ấn tượng nhất để đưa vào tranh vẽ".

Tranh tuyên truyền cổ động thường đặt ở trên cao, chỗ thoáng, ngoài trời nên Ngô Đức Trị cũng đã quá quen với việc đứng nắng, say sưa sáng tạo cả ngày trên những giàn giáo, cáp treo, xe cẩu. Trung bình anh mất từ 7 - 10 ngày để hoàn thành một bức tranh tường. Không ít lần, do áp lực thời gian, anh phải thức xuyên đêm để vẽ. Theo anh, để tranh sắc nét, bền màu, ngoài việc lựa chọn sơn nước phù hợp, chất lượng, công đoạn đánh nhám, tạo bề mặt giúp sơn bám dính cũng rất quan trọng. Quanh năm ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, hành trang trong mỗi chuyến đi của người họa sĩ chỉ có chiếc ba lô con cóc và những cây cọ vẽ, những hộp sơn màu, sơn nước. Có đợt, anh xa nhà cả nửa năm trời để tập trung sáng tạo, vẽ gần 20 bức tranh tường, trong đó có nhiều bức vẽ chân dung Bác Hồ cho các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn 2.  Mỗi bức vẽ đều có dấu ấn, thần thái, điểm nhấn riêng, chứ không hề trùng lặp.

Trong các đơn vị quân đôi, tranh của họa sĩ Ngô Đức Trị đã trở nên quen thuộc, gần gũi

Nói về tác phẩm của họa sĩ Ngô Đức Trị, Trung tá Lương Văn Đạo, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2) nhận xét: “Với những gam màu tươi sáng, đường nét, bố cục rõ ràng, tranh của họa sĩ Ngô Đức Trị luôn mang đến cho người xem cảm giác vui vẻ, lạc quan và tinh thần thi đua, chiến thắng. Vầng trán, chòm râu, mái tóc, nụ cười của Bác trong tranh của anh rất gần dị và gần gũi. Bức tranh tường khổ lớn trước cổng Trung đoàn do anh sáng tác, hoàn thiện, cách đây đã 5 - 6 năm nhưng màu sắc vẫn rất tươi mới, sinh động, khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ, thích thú”.

Tiếng lành đồn xa, những năm qua, họa sĩ Ngô Quốc Trị được rất nhiều doanh nghiệp, nhà chùa, trường học, gia đình ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… liên hệ, mời về vẽ tranh tường. Song với tình cảm đặc biệt dành cho quân đội, khi các cơ quan, đơn vị có nhu cầu, anh đều vui vẻ nhận lời, chưa bao giờ đặt nặng chuyện thù lao. Được vẽ về Bác, được vẽ về bộ đội là niềm vui, hạnh phúc đặc biệt đối với anh.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.