Quy hoạch đất nước
Sáng 14/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định ngày 14/9 tại Hà Nội. Ảnh: PV/Đảng Cộng sản Việt Nam |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm, do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc. Quy hoạch phải thể hiện được tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Quy hoạch tổng thể đất nước là gì? Không cần có kiến thức về xây dựng, có lẽ chúng ta cũng hình dung được nhiệm vụ này quá nặng nề. Quy hoạch tổng thể một căn nhà, khu phố, thành phố đã khó, nói gì cả một quốc gia. Nhưng, với những thế hệ lãnh đạo đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là sứ mệnh rất cao cả.
Những ngày tháng 9 này, đất nước vừa kỷ niệm 77 năm độc lập và chúng ta cũng đã trải qua 47 năm thống nhất, 35 năm đổi mới. Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thiệt hại nặng nề từ chiến tranh, không biết bao nhiêu lần Việt Nam phải quy hoạch và tái thiết đất nước. Quốc gia nào cũng vậy, đường đến văn minh, thịnh vượng không hoàn toàn rải bằng hoa hồng. Như Nhật Bản, tài nguyên thiên nhiên không phong phú, thiệt hại từ chiến tranh cũng rất lớn nhưng đã sớm "hóa rồng". Hay như Singapore, từ một quốc gia non trẻ, nhỏ bé đã vươn lên thần tốc. Ấn tượng nhất là quy hoạch tổng thể của các quốc gia này, từ kiến trúc đô thị đến giáo dục, y tế, kinh tế…, rất đồng bộ, có tầm nhìn xa theo dòng chảy văn minh nhân loại.
Việt Nam được coi là quốc gia có tốc độ xây dựng, đô thị hóa rất nhanh. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đang gặp nhiều khó khăn về công tác quy hoạch chung. Đi cùng với sự phát triển là bài toán nan giải về nguồn nước, môi trường tự nhiên, chất lượng cuộc sống của người dân… Chỉ cần nghĩ đến hai nỗi ám ảnh là kẹt xe và ngập lụt ở các đô thị là có thể nhận thức được còn quá nhiều việc phải làm nhằm thay đổi diện mạo đất nước.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đa số đại biểu nhất trí các nội dung lớn, trước khi trình Quốc hội thông qua, là thành công bước đầu. Chúng ta cũng tự tin Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ phát huy giá trị khi đi vào triển khai. Bởi Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, thành tựu trong quá trình xây dựng và kiến tạo đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII và nhìn lại quá trình 35 năm thực hiện đổi mới: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc