Multimedia Đọc Báo in

Sống mãi ký ức hào hùng

03:50, 02/09/2022

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. 47 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của những tháng ngày chiến đấu gian khổ, hào hùng đó vẫn còn nguyên vẹn trong cựu chiến binh Lê Văn Cảnh (SN 1953, ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana). Khi nhắc lại thời trai trẻ của mình, ông như sống lại tuổi đôi mươi.

Tháng 7/1971, khi vừa bước qua tuổi 17, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Lê Văn Cảnh đã “liều mình” khai thêm 3 tuổi để được cùng với nhiều thanh niên của quê hương Nông Cống, Thanh Hóa hăng hái lên đường nhập ngũ.

Sau khi nhập ngũ, ông được huấn luyện 5 tháng ở Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 14, Tỉnh đội Thanh Hóa. Sau đó ông được biên chế vào Tiểu đoàn C4D1, Trung đoàn 4, Quân khu 7 trực tiếp tham gia chiến đấu ở Long Khánh, Biên Hòa, Đồng Nai. Đó là những tháng ngày gian khổ và ác liệt. Những đêm không thấy tiếng bom nổ bỗng nhiên lại cảm thấy bất an và nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống khi vừa tròn đôi mươi...

Cựu chiến binh Lê Văn Cảnh kể về những năm hào hùng.

Đến ngày 18/3/1975, đơn vị của ông được học sa bàn để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công về Sài Gòn. Đơn vị lúc này sáp nhập vào Sư đoàn 6, Quân đoàn 5, tham gia chiến đấu đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày kháng chiến khốc liệt ấy, chàng trai trẻ Lê Văn Cảnh đã từng viết một bức thư gửi về cho gia đình, trong đó có đoạn “Bố mẹ ở nhà coi như con đã chết rồi. Bố mẹ hãy tự hào rằng con cũng là một hạt cát trong cuộc kháng chiến”, lời kết thư ấy cũng là tiếng lòng của rất nhiều chiến sĩ, là sự dũng cảm, hiên ngang, là niềm tự hào, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng khi đã xác định cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Bên tách trà nóng, cùng những kỷ vật chiến trường xưa, những câu chuyện cứ thế ùa về, ông vẫn nhớ như in vào 11 giờ 30 ngày 28/4/1975 ông cùng đồng đội tiếp cận Sân bay Biên Hòa, tạo thế trận vững chắc vòng ngoài để các đơn vị khác tiến sâu vào Sài Gòn. “Đến lúc nghe tin đại thắng, chúng tôi đều trào dâng cảm xúc, vui mừng vì biết đất nước mình được độc lập, được tự do, được về đoàn tụ với gia đình, gặp người thân của mình.

Trên khắp các ngả đường tràn ngập cờ hoa, là lời ca, tiếng hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, là sự reo vui phấn khởi của nhân dân. Khoảnh khắc đó có lẽ cả một đời này tôi không thể nào quên được”, cựu binh Lê Văn Cảnh hồi tưởng. 

Cựu chiến binh Lê Văn Cảnh chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho độc lập dân tộc, cựu binh Lê Văn Cảnh tiếp tục phát huy tinh thần “thép” của người lính Cụ Hồ. Năm 1996, ông cùng gia đình vào làm kinh tế mới ở xã Dray Sáp. Những ngày đầu mới lập nghiệp, chỉ với 3 sào đất, ông Cảnh đã quyết định chọn cây cà phê để phát triển kinh tế. Có những năm, cà phê rớt giá, người dân trong vùng đua nhau chặt bỏ thì ông vẫn kiên trì bám trụ với loại cây này. Đến nay, ông đã đầu tư, phát triển diện tích trồng cà phê xen tiêu lên hơn 3 ha. Với kinh nghiệm từ những kiến thức đọc được qua sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng, đến các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật của hội nông dân, trạm khuyến nông, vườn cây của gia đình ông luôn được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, ông Cảnh đều dành hết để đầu tư cho các con. Hiện nay, cả 4 người con của ông hiện đều có công ăn việc làm ổn định, có gia đình riêng, kinh tế khá giả.

Với sự năng động, nhạy bén trong sản xuất, cựu chiến binh Lê Văn Cảnh trở thành tấm gương tiêu biểu về người lính Cụ Hồ vượt khó làm kinh tế giỏi, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.