Multimedia Đọc Báo in

Từ vùng đất khó... (Kỳ 3)

08:19, 22/09/2022

Kỳ 3: Khi “mầm xanh” nở hoa...

Trên những vùng đất khó, với những đồi núi, triền dốc đầy nắng gió, có những con người của buôn làng vẫn luôn cống hiến sức trẻ, tri thức cho quê hương. Họ như những “bông hoa rừng” ngát hương nở trên cao nguyên, xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của Đảng.

Hạnh phúc là được cống hiến

Nhanh nhạy và giàu nhiệt huyết là ấn tượng của chúng tôi về đảng viên trẻ Nguyễn Văn Quyền (SN 1989), Phó Bí thư Đoàn xã Yang Reh (huyện Krông Bông). Đảm nhận vai trò Phó Bí thư Đoàn xã từ năm 2014, khi đó, cái khó đối với anh Quyền không chỉ là sự non trẻ, bỡ ngỡ mà hơn hết là làm sao để gây dựng và đưa phong trào Đoàn xã lớn mạnh.

Yang Reh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, với tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Là “thủ lĩnh” Đoàn và cũng là một đảng viên trẻ, anh Quyền luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra nhiều mô hình, cách làm hiệu quả mang tính thực tiễn trong các hoạt động của Đoàn, nhất là công tác an sinh xã hội, xung kích vì cuộc sống cộng đồng.

Đảng viên Nguyễn Văn Quyền (bên trái) ở xã Yang Reh (huyện Krông Bông) thăm mô hình kinh tế của thanh niên địa phương.

Anh Quyền tâm niệm: “Hạnh phúc là được sẻ chia, cống hiến”. Đó không chỉ là “khẩu hiệu suông” mà được anh hiện thực hóa bằng nhiều việc làm cụ thể. Từ năm 2017 đến nay, anh đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã vận động xây dựng được 3 công trình thắp sáng đường quê dài 2 km tại thôn 1; 2 công trình sân bóng chuyền; 2 căn nhà Tình nghĩa cho hộ nghèo; mỗi năm tặng gần 1.000 phần quà hỗ trợ đoàn viên thanh niên và nhân dân. Đặc biệt, nhằm tiếp sức học sinh đến trường, anh đã kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm hỗ trợ 14 học sinh nghèo học giỏi với số tiền 500.000 đồng/em/tháng…

Thấm nhuần lời Bác dạy "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh Quyền đã phát huy vai trò "thủ lĩnh" trong việc tập hợp, huy động đoàn viên thanh niên địa phương thành lập các tổ, đội tổ chức tuyên truyền lưu động, đi từng ngõ xóm phát tờ rơi đến người dân về các biện pháp phòng, chống dịch và tình hình dịch COVID-19. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vào tháng 9/2021, toàn thôn 4 bị phong tỏa 14 ngày, anh Quyền đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã nhanh chóng thành lập đội hình “Xung kích hỗ trợ người dân” gồm 20 thành viên ngày đêm túc trực, hỗ trợ người dân vùng phong tỏa, bảo đảm an toàn dịch bệnh… Không chỉ là cán bộ Đoàn năng động, anh còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo, với 11 lần tình nguyện cho đi những “giọt hồng” quý giá.

Với những đóng góp của mình, những năm qua, anh Quyền đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

 “Hạt nhân” đoàn kết buôn làng

Lớn lên từ nương rẫy, vượt qua mọi khó khăn, cô gái Vân Kiều Mun Loi Kham Kalu (SN 1993, ở buôn Tà Cỡng, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) nỗ lực học tập để mở mang kiến thức. Năm 2016, chị trở về buôn với tấm bằng tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp của Đại học Tây Nguyên và trở thành một nông dân “chính hiệu”.

Ngoài việc ruộng nương, Kham tích cực tham gia các hoạt động, phong trào với vai trò phụ trách công tác khuyến nông của buôn. Thấy Kham năng động, sống gần gũi và có uy tín trong nhân dân, Chi bộ đã “để mắt”, định hướng phấn đấu và sau một thời gian, Kham được giới thiệu xem xét bồi dưỡng, kết nạp Đảng năm 2019. “Vào Đảng là cơ hội để tôi rèn luyện, trưởng thành, cống hiến nhiều hơn và mang kiến thức học được giúp bà con buôn mình thoát nghèo, có cuộc sống ấm no”, Kham tâm sự.

Đảng viên Mun Loi Kham Kalu (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) thường xuyên vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Mặc dù buôn Tà Cỡng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhưng do trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế nên tỷ lệ hộ nghèo của buôn còn cao. Để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảng viên phải là người gương mẫu đi trước, thậm chí phải "cầm tay chỉ việc". Vì vậy, Kham đã đi từng hộ dân để trực tiếp trao đổi, hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi trồng và kinh nghiệm phòng bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Trong 5 năm làm khuyến nông viên, Kham không chỉ là “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp cùng nông dân thực hiện những mô hình khuyến nông mới; hợp tác với các đơn vị cung ứng giống, vật tư, phân bón, tập huấn nông nghiệp cho bà con. Năm 2020, chị liên kết bà con triển khai thí điểm trồng gần 1 tấn giống lúa mới ST24 thay thế cho giống lúa cũ kém năng suất. Kham còn vận động nhân dân xen canh các giống cây trồng phù hợp.

Nhờ vậy, buôn Tà Cỡng nay đã có nhiều đảng viên làm kinh tế giỏi, tạo động lực thúc đẩy các gia đình trong buôn phát triển các mô hình kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo của buôn từ 50% (năm 2017) giờ chỉ còn hơn 20%. Ông Ai Ka Lưng, Bí thư Chi bộ buôn Tà Cỡng nhận xét: “Mun Loi Kham Kalu là đảng viên trẻ nhưng luôn có tinh thần trách nhiệm cao. Không chỉ hoàn thành tốt công việc và tiên phong trong mọi lĩnh vực, đồng chí còn là “hạt nhân” quan trọng góp phần chuyển giao, hướng dẫn bà con nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân…”.

Chàng trai Nùng gắn bó với đồng đất quê hương

Ở thôn 2, xã Cư Mốt - một địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Ea H’leo có mô hình "đa cây bốn mùa xanh tốt" mang lại hiệu quả kinh tế cao của đảng viên trẻ người Nùng là Nông Ngọc Hoàng (SN 1992).

Thấu hiểu được sự khó nhọc của người nông dân, Hoàng đã nung nấu ý chí làm giàu từ rất sớm. Từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghệ Tây Nguyên, song trong khi nhiều bạn trẻ cố gắng xin việc làm tại các doanh nghiệp nơi đô thị thì Hoàng lại chọn trở về địa phương gắn bó với lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Hoàng kể, để có khu vườn rừng với những tầng cây xanh ngút tầm mắt như ngày hôm nay là cả quá trình anh nỗ lực thay đổi tư duy canh tác truyền thống của người thân trong gia đình. Năm 2015, Hoàng bắt tay vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây trồng mới. Trên diện tích canh tác gần 7 ha của gia đình, Hoàng giữ lại gần 3 ha cao su đã trồng trước đó để có nguồn thu quanh năm. Diện tích còn lại, anh chặt bỏ cây cà phê già cỗi để trồng xen canh các loại cây ăn trái, hồ tiêu và gỗ tếch.

Đảng viên Nông Ngọc Hoàng (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) giới thiệu mô hình trồng chôm chôm Thái thu lợi nhuận cao.

Vừa làm, vừa chăm chỉ học hỏi, Hoàng chủ động tham gia các hội, nhóm khởi nghiệp, nhóm trồng cây ăn trái để trau dồi kiến thức nông nghiệp, vận dụng chăm sóc mô hình của gia đình, hạn chế rủi ro. Anh ưu tiên dùng phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển cân đối, tăng chất lượng nông sản. Khi vườn cây cho thu trái ổn định, Hoàng gia nhập Hợp tác xã Trái cây Cư Mốt nhằm bảo đảm đầu ra sản phẩm cũng như dần tạo được thương hiệu trên thị trường. Hiện mỗi năm, tổng sản lượng nông sản Hoàng thu được đạt khoảng 35 tấn các loại, đem lại nguồn thu gần 500 triệu đồng.

Không chỉ năng động phát triển kinh tế, Hoàng luôn tích cực trong các hoạt động phong trào. Nhận được sự tín nhiệm của Chi bộ thôn 2, năm 2019 Hoàng vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. “Khi giơ cao nắm tay thề trong lễ kết nạp Đảng, tôi tự nhủ phải học hỏi, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện bản thân, cố gắng hơn nữa để xứng đáng là một đảng viên tiên phong, tích cực thi đua sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng. Đặc biệt tôi mong muốn là cầu nối truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ thanh niên đồng bào dân tộc Nùng nơi mình sinh sống cùng vươn lên ổn định cuộc sống”, Hoàng tâm sự.

Bằng tuổi trẻ nhiệt huyết, năng động, tư duy nhạy bén, Kham, Hoàng, Quyền là ba trong số nhiều đảng viên trẻ tiên phong, đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Dù mỗi người ở một vị trí công việc, hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung, đó là tinh thần trách nhiệm cao, ý chí phấn đấu không ngừng, luôn tiên phong gương mẫu, được nhân dân tín nhiệm, yêu mến.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm toàn tỉnh kết nạp mới trên 3.500 đảng viên. Lực lượng đảng viên mới kết nạp phần lớn đều là những “hạt nhân” nòng cốt ở cơ sở, là nguồn cổ vũ, tấm gương để quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Từ đó, lan tỏa hình ảnh, những giá trị tốt đẹp của người đảng viên, thúc đẩy các phong trào thi đua, góp phần vào mục tiêu phát triển chung của những địa phương còn khó khăn của tỉnh, đồng thời tạo được sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

 

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Những kinh nghiệm để “vượt khó”

Khả Lê - Thùy Linh - Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.