Ước vọng thời bình
Thắp sáng truyền thống yêu nước, dù đảm nhận công việc gì, ở bất cứ đâu, những người từng trải qua một thời lửa đạn hay những người may mắn được sinh ra trong thời bình, họ đều nhiệt thành cống hiến tâm sức, trí tuệ xây dựng quê hương.
Cháy mãi ngọn lửa cách mạng
Năm 1975, chàng trai Bùi Ngọc Thảo lên đường nhập ngũ khi mới tuổi mười tám đôi mươi. Từng kinh qua nhiều đơn vị, giữ nhiều chức trách, nhiệm vụ khác nhau, nhưng có lẽ, khoảng thời gian công tác tại Trung đoàn Thông tin 575 (nay là Lữ đoàn Thông tin 575, Quân khu 5) đã giúp ông phát huy hết sở trường của người cán bộ chính trị. Từ năm 1983 đến 1987, với vai trò là Chính trị viên Đại đội, Chính trị viên Tiểu đoàn, Trợ lý chính trị Trung đoàn, ông Bùi Ngọc Thảo luôn sâu sát, gần gũi, giúp bộ đội luôn an tâm tư tưởng, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
Ông Bùi Ngọc Thảo (giữa) khảo sát xây dựng mô hình tuyến đường trên địa bàn phường. |
Chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử, giúp ông thấu hiểu hơn đất nước mình. Chính vì vậy đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột), ông luôn dùng sự từng trải, những câu chuyện mình biết để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vào các dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, Ban Thường vụ Hội thường phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức giao lưu với nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống. Trong những câu chuyện kể về Bác Hồ, về những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng, ông Bùi Ngọc Thảo luôn khiến người nghe rưng rưng cảm xúc.
Đặc biệt chú trọng việc vận động thanh niên nhập ngũ, trước mỗi đợt tuyển quân, Hội Cựu chiến binh phường vẫn thường phối hợp tặng quà, thăm hỏi, động viên thanh niên; tuyên truyền cho tuổi trẻ hiểu hơn về nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Qua đó, góp phần giúp phường luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao quân hằng năm.
“Đi qua thời chiến, có được cuộc sống ấm no trong thời bình, điều chúng tôi mong mỏi nhất vẫn là lớp lớp thế hệ trẻ luôn hiểu biết và trân trọng lịch sử đất nước. Hiểu để yêu, hiểu để đóng góp, dấn thân nhiều hơn vì khát vọng Việt Nam hùng cường”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thành Nhất Bùi Ngọc Thảo giãi bày.
Hướng về biên cương Tổ quốc
Gắn bó với màu áo xanh từ năm 2006, Thượng úy Phùng Văn Hai (Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Ea H’leo) luôn hết mình với nhiệm vụ được giao phó. Đã có 16 năm thân thuộc biên cương, anh Hai quá quen việc ăn suối ngủ rừng, tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc và "3 bám, 4 cùng" với người dân vùng biên. Anh cho hay, lính biên phòng, ai cũng lấy phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” để làm lẽ sống.
Thượng úy Phùng Văn Hai đến thăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ia Lốp. |
Bám nắm địa bàn, nhận thấy bà con vẫn còn nhiều khó khăn, Thượng úy Hai cùng đồng đội đã tham mưu đơn vị triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế như: chăn nuôi heo, bò, thỏ giống; trồng cây đa canh. Với những hộ thiếu thốn nhân lực, bộ đội vẫn thường xuyên xuống tận nhà hỗ trợ thêm ngày công phát triển sản xuất, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ sự nhiệt thành ấy, anh Hai và đồng đội luôn được bà con vùng biên yêu mến. Những gia đình như: ông Ngô Văn Hoành, Nguyễn Văn Y ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) từ lâu luôn coi anh như người thân trong gia đình. Hễ gia đình có chuyện vui buồn, hay cần người trông nom, họ đều liên lạc anh Hai với sự tin tưởng tuyệt đối.
Năm 2019, Đồn Biên phòng Ea H’leo nhận nuôi cháu Hà Duy Long (thôn Chiềng, xã Ia Lốp), Thượng úy Phùng Văn Hai là một trong những cán bộ được giao chăm sóc chính. Coi cháu như chính con ruột của mình, các anh đã rèn giũa, yêu thương, giúp cậu bé nhút nhát ngày nào trở nên mạnh mẽ, tự lập, học hành tiến bộ.
Thượng úy Phùng Văn Hai chia sẻ: Bất cứ người lính quân hàm xanh nào cũng vậy, luôn nỗ lực cống hiến nhiều hơn vì một mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; giúp dân xây dựng cuộc sống thêm ấm no.
Nhân lên sức mạnh thanh niên
Có bố là thương binh, bác ruột là liệt sĩ, anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn Buôn Đôn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện sớm ý thức được trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh của cha anh để có được độc lập, tự do.
Nuôi hoài bão và khát vọng cống hiến, anh Trung tiếp nối truyền thống gia đình, dành sức trẻ làm những phần việc có ý nghĩa cho xã hội. Những năm qua, anh đã tập hợp sức mạnh của tuổi trẻ vùng biên để thắp sáng hơn các phong trào hành động cách mạng trên địa bàn.
Anh Nguyễn Quang Trung (bìa trái) tham gia trồng cây xanh trên địa bàn. |
Đơn cử như năm 2021, hướng về người có công với cách mạng, anh cùng tuổi trẻ huyện nhà đã tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và trao tặng 160 suất quà. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, gần 400 lượt đoàn viên thanh niên đã cùng tham gia 8 đợt dọn vệ sinh, trồng 1 km đường hoa vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và Bia tưởng niệm hai xã Ea Bar, Krông Na; dọn dẹp, sửa chữa 26 ngôi nhà cho gia đình chính sách.
Sẵn sàng có mặt ở nơi khó khăn, như trong đợt dịch COVID-19 năm 2021 vừa qua, anh Trung cùng đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia vào Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, hỗ trợ dọn dẹp khu cách ly. Tuổi trẻ Buôn Đôn đã triển khai chương trình “Trà chanh 0 đồng” với số lượng 465 ly, “Cháo không đồng” với số lượng 70 phần; vận động trao 85 suất quà cho khu cách ly và các hộ gia đình khó khăn cùng hàng nghìn vật tư y tế, hàng tạ rau củ quả và nhu yếu phẩm.
Góp sức cùng tuổi trẻ phát triển kinh tế, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, Huyện Đoàn Buôn Đôn đã thành lập 1 tổ hợp tác thanh niên nuôi ốc nhồi thương phẩm; thành lập 1 Câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên; duy trì và phát triển các câu lạc bộ, đội nhóm nhạc cụ dân tộc trên địa bàn. Anh Trung tâm tình: “Tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất của mỗi con người. Chắc chắn rằng, tuổi trẻ sẽ còn đẹp hơn nữa khi tất cả cùng đoàn kết, cống hiến những trái tim nhiệt huyết cho quê hương, đất nước”.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc