Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán cao
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.
Về chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán. Đến hết tháng 9/2022, đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho các công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm…
Về Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đảm bảo bám sát mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm, đảm bảo thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng như: kinh phí đảm bảo cho quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội; cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025. Ảnh: Quochoi.vn |
Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng số thu cân đối NSNN vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.
Bên cạnh đó, cũng lưu ý một số vấn đề như công tác dự trong xây dựng dự toán; đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2022, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế; đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt dự toán; đề nghị đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, báo cáo của Chính phủ cho thấy, chi ngân sách nhà nước năm 2022 đã bảo đảm các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước, quốc phòng – an ninh, đối ngoại và thanh toán đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội và các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển; đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng năm 2022, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước... là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở. Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp…
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững
Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quochoi.vn |
Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (Điều 3), trong đó về mức dư nợ vay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc TP. Buôn Ma Thuột theo các nguyên tắc, tiêu chí tính dự toán chi thường xuyên năm 2022 cho dự toán chi thường xuyên năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 4), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, dự án đầu tư trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo; sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn |
Về quản lý quy hoạch (Điều 5), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP. Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt (Điều 6), chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công…
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đề nghị sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù; ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...
Về tính chất, các chính sách chưa thể hiện đậm nét yếu tố đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung, trong đó có đặc thù về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, con người với 40 dân tộc bản sắc đa dạng; với vị trí địa lý là trung tâm vùng Tây Nguyên, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.
Đối với quy định về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ, việc tạo cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại Thành phố Buôn Ma Thuột là cần thiết, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
* Cuối phiên họp chiều 20/10, Quốc hội tiến hành họp riêng về công tác nhân sự, dưới dự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc