Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Xem xét, đánh giá hai dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi)

19:58, 25/10/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù; trong đó hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đối với việc hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Nhà nước giao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế; bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục thể chế hóa cụ thể hơn nữa, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và toàn diện các nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng mới được ban hành gần đây. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như: Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan…

Đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh trong lựa chọn, kí kết, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí

Báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều).

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng báo cáo giải trình một số vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí và vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này. 

Một số đại biểu nêu rõ, thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đại biểu cho rằng, đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Khẳng định hoạt động dầu khí đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế đất nước, đại biểu đề nghị trong các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo, kế hoạch tìm kiếm khai thác dầu khí của các hoạt động này thì cũng nên cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng, chặt chẽ hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh, cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.