Phát huy vai trò các tổ dân vận ở xã vùng sâu Cư Pui
Cư Pui (huyện Krông Bông) là xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn cách trở, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Xã có 13 thôn, buôn, với gần 2.700 hộ dân, hơn 14.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, từ năm 2010 Đảng ủy xã Cư Pui thành lập các tổ dân vận tại các thôn, buôn; mỗi tổ gồm 7 thành viên là các đồng chí trong cấp ủy, ban tự quản, chi hội trưởng các đoàn thể, già làng, người có uy tín.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thành viên các tổ dân vận thôn, buôn đã chủ động tạo mối quan hệ mật thiết, gần gũi với người dân, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề có liên quan như phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phòng, chống dịch bệnh đến người dân.
Mô hình trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Hoàng Văn Tiến (thôn Ea Lang). |
Trước đây, cuộc sống người dân thôn Ea Lang phụ thuộc vào trồng lúa, sắn nên dù vất vả cũng chỉ đủ ăn. Để nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân vận thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Ông Mã Văn Dư, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn kể: “Để thay đổi nếp nghĩ cách làm lâu nay của bà con, các thành viên trong tổ dân vận không kể ngày đêm đến từng nhà vận động. Đồng thời, các thành viên trong tổ, đảng viên trong chi bộ tiên phong thực hiện trước để bà con làm theo”. Dần dần, bà con hiểu và hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, thôn Ea Lang đã chuyển đổi được hơn 15 ha sắn, ngô, đậu kém hiệu quả sang trồng cây dứa; trồng cỏ phát triển đàn trâu, bò gần 120 con; mở rộng diện tích cây keo lai…
Tiêu biểu như hộ ông Hoàng Văn Tiến, được cán bộ tổ dân vận thôn vận động và tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dứa ở một số địa phương. Đầu năm 2021, ông quyết định chuyển đổi 3 ha trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây dứa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sau một năm cây dứa đã cho thu hoạch, đem lại số lãi hơn 100 triệu đồng.
Đến thôn Ea Uôl hôm nay, những tuyến đường bê tông hóa rộng rãi, sạch đẹp đã dần thay thế những con đường đất “nắng bụi, mưa lầy” trước đây. Ông Hoàng Văn Thề, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn cho hay, khi triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tổ dân vận thôn đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến đóng góp của người dân nên đã tạo được sự đồng thuận cao. Đối với những cá nhân chưa thông suốt, các thành viên tổ dân vận phải kiên trì, mềm dẻo, cùng với các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà để vận động, phân tích cho bà con hiểu. Nhờ phát huy dân chủ trong tổ chức thực hiện nên nhiều mục tiêu của thôn đã thành công.
Đơn cử, năm 2021, xã có chủ trương bê tông hóa tuyến đường liên thôn Ea Uôl với buôn Khanh dài 3 km. Sau khi vận động, các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường đã tự nguyện đóng góp hơn 40 triệu đồng, hiến đất và ngày công lao động để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trước đó, vào năm 2020, nhà văn hóa thôn Ea Lang được xây dựng với kinh phí hơn 300 triệu đồng, do nhân dân tự nguyện đóng góp.
Nhà văn hóa thôn Ea Lang được xây dựng từ sự đóng góp của người dân. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Cư Pui phối hợp với ban tự quản, tổ dân vận các thôn, buôn vận động người dân tự nguyện đóng góp gần 420 triệu đồng, hơn 300 ngày công, hiến 3.344 m2 đất, phá bỏ gần 200 cây cà phê và di dời chuồng trại để làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học. Trên địa bàn xã đã có hơn 15 km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, tạo điều kiện cho việc đi lại sản xuất và sinh hoạt thuận lợi.
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc