Multimedia Đọc Báo in

Dừng mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện: Khắc phục những bất cập từ thực tiễn (Kỳ 1)

08:22, 24/11/2022

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rộng rãi mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp huyện (gọi tắt là mô hình).

Tác động tích cực cũng như mặt hạn chế của mô hình sau 4 năm thực hiện là những bài học thực tiễn quan trọng, góp phần “hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới” như mục tiêu Nghị quyết 18 đã đề ra cho giai đoạn 2021 – 2030.

Kỳ 1: Nhìn nhận mô hình sau 4 năm thực hiện 

Từ vai trò tiên phong ở cấp tỉnh, 11/15 đơn vị cấp huyện thực hiện mô hình cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực của Đắk Lắk trong việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bên cạnh việc tạo một số chuyển biến quan trọng, mô hình vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần  phân tích, đánh giá thấu đáo tại từng địa phương.

Giảm đầu mối, có sự đổi mới

Những chức năng, nhiệm vụ tương đồng của ban dân vận và ủy ban MTTQ Việt Nam là cơ sở thuận lợi quan trọng nhất để triển khai thực hiện mô hình. Mô hình đã tránh được sự chồng chéo, trùng lặp trong nhiều lĩnh vực hoạt động, giảm tần suất, số lượng các cuộc họp, kiểm tra, giám sát, tiết kiệm một khoản không nhỏ cho ngân sách. Thực hiện đồng thời hai chức danh cũng giảm bớt đầu mối trung gian trong việc tham mưu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của ban thường vụ, giúp các nhiệm vụ được triển khai nhanh hơn, sát hơn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong thực tế. Qua đó, người đứng đầu hai cơ quan đã có điều kiện thuận lợi để chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, cách thức thực hiện từng nhiệm vụ của mỗi cơ quan phù hợp với yêu cầu đặc thù ở mỗi địa phương.

Huyện ủy Krông Pắc huy động các nguồn lực thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Yiêng.

Tại huyện Krông Pắc, đồng chí Ngô Bá Nghiệp tuy chỉ mới bắt đầu đảm nhiệm đồng thời hai chức danh Trưởng Ban Dân vận và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện từ tháng 4/2020 nhưng đã nỗ lực đổi mới nhiều nhiệm vụ. Trong đó, phải nhắc đến việc tham mưu đổi mới công tác kết nghĩa giữa các các cơ quan, đơn vị với buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bên cạnh việc phân công lại các cơ quan, đơn vị thực hiện kết nghĩa, Huyện ủy Krông Pắc còn mở rộng thêm các thôn đồng bào DTTS phía Bắc khó khăn về kinh tế hoặc an ninh nông thôn còn phức tạp. Công tác kết nghĩa đã được gắn cụ thể với trách nhiệm của các bên bằng những chỉ tiêu, phần việc cụ thể từng năm. Thay đổi này đã tạo làn gió mới, giúp hoạt động hỗ trợ, giao lưu giữa các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các thôn, buôn không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà thực sự xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng của mỗi bên, cùng chung sức nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Ana tiếp nhận hiện vật hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Hay như tại huyện Krông Ana, mô hình được thực hiện ngay từ năm 2018, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Năng Lưu được hiệp thương, cử đồng thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Sau hơn 4 năm đảm nhiệm hai chức danh, đồng chí Nguyễn Năng Lưu chia sẻ, để thực hiện tốt nhiệm vụ, bản thân phải luôn phân định rõ hai vai trọng trách. Đối với vai trò là Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, phải làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Đảng mà cụ thể là Ban Thường vụ Huyện ủy. Còn đối với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thì bảo đảm tuân thủ theo Luật MTTQ Việt Nam, làm tốt nhiệm vụ tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia giám sát, phản biện xã hội. Nhờ đó mà hai vai trọng trách ở hai lĩnh vực luôn được điều hòa, phối hợp nhịp nhàng, bổ sung cho nhau. Hiệu quả thực hiện các công tác có nhiều điểm tương đồng như phát động quần chúng, dân tộc, tôn giáo... được nâng cao.

Còn những bất cập

Tuy công tác dân vận và mặt trận có một số chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực lại có tính độc lập và những yêu cầu khác nhau. Đồng chí Ngô Bá Nghiệp thừa nhận, bản thân phải làm việc với nỗ lực và cường độ gấp đôi so với khi chỉ đảm nhận một chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện. Trong thời gian thực hiện đồng thời hai chức danh, có những nội dung rất tâm huyết nhưng chưa thể triển khai vì không sắp xếp được thời gian bám sát, xây dựng mô hình, theo dõi, nhân rộng.

Trường THCS Ea Kly và Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám kết nghĩa với buôn Krăi B, xã Ea Kly (huyện Krông Pắc).
 

Người đảm nhiệm đồng thời hai chức danh nếu không có năng lực tốt, trách nhiệm cao sẽ có nguy cơ khiến cả hai lĩnh vực công tác đều “chùng” xuống, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cả khối dân vận và Mặt trận từ cấp huyện đến tận cơ sở”.

 
Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Ana Nguyễn Năng Lưu.

Công việc và trách nhiệm tăng gấp đôi nhưng cán bộ đảm nhận đồng thời hai chức danh không được nhận thêm phụ cấp “kiêm nhiệm”. Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, bất cập này phần nào làm giảm nỗ lực, phấn đấu của người thực hiện, dễ sinh tâm lý làm việc nửa vời nếu người cán bộ không đủ tâm và tầm trong mọi mặt công tác. Từ khi triển khai đến nay, mô hình còn thiếu hướng dẫn về xây dựng quy chế làm việc, quy định chức năng, nhiệm vụ cũng như thiếu các tiêu chí đánh giá, xếp loại khiến việc thực hiện có nhiều lúng túng, bị động.

Bên cạnh yếu tố tiên quyết là năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu, kết quả thực hiện mô hình còn có những yếu tố tác động nhất định bởi năng lực của cả đội ngũ cán bộ, công chức ở hai đơn vị, đặc biệt là vai trò tham mưu, giúp việc của các cấp phó. Đơn cử tại thị xã Buôn Hồ, trong điều kiện cấp trưởng phụ trách đồng thời, Ban Dân vận và Ủy ban MTTQ Việt Nam hiện tinh giản chỉ còn một cấp phó ở mỗi đơn vị. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Buôn Hồ H’Blă Mlô cũng thừa nhận, khó khăn khi triển khai mô hình không chỉ đến từ những nguyên nhân khách quan do thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể từ cấp trên mà còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính đội ngũ cán bộ tại hai đơn vị. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu, khó duy trì mô hình hiệu quả.

Những hạn chế, bất cập ấy lý giải vì sao một chủ trương đúng đắn của Trung ương, dù bước đầu đã tạo nên những thay đổi tích cực đến bộ máy hoạt động nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại khiến các địa phương phải đề xuất tạm dừng. Điều kiện cần của mô hình là phải có chính sách phù hợp, có quy trình đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì hiệu quả thực hiện mới đảm bảo lâu dài và thống nhất.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chủ động sắp xếp phù hợp tình hình địa phương

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.