Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV

Thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự

19:27, 01/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 1/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sự. 

Tạo điều kiện cho các hình thức kinh tế hợp tác được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; cho rằng hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Đại biểu thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, trong những năm qua, kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại sản xuất cũng như đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hợp tác còn ý nghĩa quan trọng hơn, bởi chính sự liên kết, hợp tác trong sản xuất thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dẫn đến sự ra đời của các khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết sản xuất. Việc hình thành các khu vực kinh tế tập thể đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cũng như là công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, từ từ đó nâng cao chất lượng, số lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Góp ý về tên gọi của dự thảo Luật, đa số các đại biểu thống nhất với việc sửa tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vì nó phản ánh được thực chất của hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp trong điều kiện doanh nghiệp là tập thể và kể cả doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp khác.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy đơn giản hóa các thủ tục hành chính như: thành lập, đăng ký, giải thể các hợp tác xã, trong đó khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp, thành viên, tài sản chung không chia, thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, tỷ lệ cung ứng dịch vụ bên ngoài, thành viên, chế tài xử lý vi phạm luật; các thủ tục thành lập, đăng ký ngành nghề kinh doanh của hợp tác xã, hoàn thiện các quy định tổ chức, chuyển đổi hợp tác xã về công tác chuyển đổi, giải thể, phá sản và đảm bảo quyền lợi của các thành viên…

Bên cạnh đó, bổ sung những quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các hoạt động của hợp tác xã như xây dựng hệ thống cơ sở trên các nền tảng số; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng công nghệ số cho thành viên, người lao động trong hợp tác xã để sử dụng công nghệ số trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhân sự, điều hành.

Đồng thời, cần phân tách các hoạt động giao dịch của hợp tác xã với các thành viên của mình và giao dịch với khách hàng. Theo đó, đối tác bên ngoài không phải là thành viên của hợp tác xã; hợp tác xã trước hết phải ưu tiên cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mình nhưng không hạn chế giao dịch của hợp tác xã với các đối tác bên ngoài; bổ sung những quy định, điều kiện cho phép hợp tác xã thành lập doanh nghiệp…

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có những quy định phân biệt thành viên chính thức và thành viên liên kết; tiêu chuẩn quyền lợi cũng như trách nhiệm. Bên cạnh đó, cân nhắc bỏ quy định tất cả các thành viên hợp tác xã phải sử dụng các sản phẩm, dịch vụ hợp tác xã...; đồng thời mở rộng, bổ sung thêm nội dung về chuyển đổi số và hỗ trợ vốn cho các đơn vị tiếp cận các nguồn vốn…

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) tham gia thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) tham gia thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phân tích: Khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật quy định: Tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải công bố định kỳ hằng năm trên trang thông tin điện tử của mình hoặc Cổng thông tin về đăng ký, hoạt động về tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu cho biết, hiện nay, số tổ chức kinh tế hợp tác có trang thông tin điện tử riêng còn rất hạn chế, các hợp tác xã chưa thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ hằng năm, nên quy định này có thể sẽ không khả thi. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin theo hướng khuyến khích các tổ chức kinh tế hợp tác đăng ký thành lập trang thông tin điện tử để công bố thông tin về đăng ký và hoạt động của mình.

Tại Điều 17 quy định về tiêu chí thực hiện chính sách, đại biểu cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi giá trị, do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp với từng nội dung hỗ trợ của nhà nước, nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng và các tổ chức kinh tế hợp tác mới thành lập để phù hợp với mục tiêu sửa đổi Luật Hợp tác xã là tạo điều kiện cho các hình thức kinh tế hợp tác được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã…

Việc hoạch định chiếc lược phòng thủ dân sự (PTDS) phải có tầm nhìn xa trông rộng

Thảo luận tại về dự án Luật PTDS, đa số các ý kiến đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm bổ sung và hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, có ý nghĩa điều chỉnh và bao quát đầy đủ các hoạt động của PTDS cũng như tạo điều kiện cho hoạt động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa, nhưng cần đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan.

Đại biểu nêu rõ, chiến lược quốc gia về PTDS là phương châm, biện pháp để phòng chống chiến tranh, phòng chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân cũng như cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Để chiến lược quốc gia về PTDS đáp ứng yêu cầu của Luật PTDS, đại biểu cho rằng, việc hoạch định chiếc lược PTDS là cần thiết, phải có tầm nhìn xa trông rộng, nhận diện rõ bối cảnh cũng như vấn đề thực trạng, nhất là xu hướng vận động và phát triển tình hình có liên quan.

Bởi vì chiến lược nói chung và chiến lược PTDS có tầm ảnh hưởng rộng, tổng thể, lâu dài đến quá trình phòng thủ đất nước. Do đó, dự thảo Luật xác định chu kỳ chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến 20 năm, thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 5 năm, hoặc đột xuất khi có thảm họa khẩn cấp hoặc bùng nổ chiến tranh, đại biểu cho rằng, xác định thời gian như vậy là phù hợp, có tính dự báo.

Thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến tầm quan trọng và trách nhiệm quản lý nhà nước về PTDS, đại biểu cho rằng, PTDS là nội dung trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là trọng yếu và thường xuyên và là nhiệm vụ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ. PTDS phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của quốc gia, sự hợp tác quốc tế, do vậy cần có sự điều chỉnh của luật, phải quản lý nhà nước để điều hành hiệu quả khi xảy ra các sự cố, thảm họa.

Về tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố, đại biểu cho rằng, tiêu chí đánh giá phải gồm cả về định tính và định lượng. Định lượng tốt thì mức độ đánh giá chính xác, mực độ tin cậy càng cao. Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố có tầm quan trọng rất lớn, đó là cơ sở khoa học để hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án, chuẩn bị các biện pháp phù hợp để ứng phó với các thảm họa, sự cố.

Ngược lại, nếu đánh giá mức độ rủi ro cao thì sẽ gây lãng phí về nguồn lực cũng như gây hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Còn nếu đánh giá mức độ rủi ro quá thấp thì sẽ dẫn đến hiện tượng chủ quan, thiếu sự chuẩn bị, đồng bộ, khi sự cố xảy ra sẽ không kịp thời ứng phó, không đủ khả năng để ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có sự nghiên cứu về tiêu chí mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố theo hướng tăng mức định lượng để ban hành các văn bản dưới luật để đánh giá mức độ rủi ro thảm họa chính xác, độ tin cậy cao hơn.

Đề cập đến công trình PTDS, đại biểu đề nghị phải chú trọng tính bền lâu, kiên cố, kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng công trình phải bảo đảm kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng hang động, đường hầm, nơi cư trú cho nhân dân khi xảy ra thảm họa, sự cố hoặc chiến tranh. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch xây dựng công trình PTDS phải đúng theo quy định pháp luật. Cải tạo công trình, hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công trình PTDS phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành, không phát sinh thủ tục hành chính mới gây khó khăn cho các chủ đầu tư.

Về cấp độ PTDS, đại biểu đề nghị việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết, làm căn cứ quan trọng để chính quyền, lực lượng tham gia phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân; thực hiện chủ động, thống nhất, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống xảy ra.

Đại biểu cho rằng, việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự để phân công, phân cấp làm rõ trách nhiệm cho chính quyền các cấp, từ cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương để chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố. Do đó, đại biểu nhấn mạnh, các cấp chính quyền phải chủ động nắm bắt thông tin kịp thời từ sớm, từ xa về thảm họa, sự cố, trên cơ sở đó để xác định các cấp độ phòng thủ dân sự, kịp thời ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự theo thẩm quyền, đồng thời xác định các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.