Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ giáo viên theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:00, 27/11/2022

Trên hành trình tìm đường cứu nước, công việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dạy học. Người cũng trực tiếp làm công việc đào tạo cán bộ cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những quan điểm sâu sắc của Người về xây dựng đội ngũ giáo viên cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo viên có vai trò đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên là vấn đề chiến lược của mỗi quốc gia vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tháng 9/1958, Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Do đó, giáo viên phải là người có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng. Người chỉ rõ: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”. Hồ Chí Minh lưu ý vấn đề học tập chính trị và yêu cầu đội ngũ giáo viên phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin.

Cùng với việc xây dựng phẩm chất chính trị, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là linh hồn của người thầy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu”. Nhấn mạnh vai trò đạo đức của người thầy, song không tuyệt đối hóa mặt đạo đức, coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Giữa đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực của người thầy có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại với nhau. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng và có tài để đức phát huy được tác dụng, vì: “Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào”. Do đó, người thầy phải chú ý cả tài cả đức, phải có đạo đức, để từ đạo đức phát huy được tài năng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc xây dựng quy mô đội ngũ giáo viên nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo đủ số lượng giáo viên cần thiết đáp ứng được quy mô đào tạo, đảm bảo tính chủ động trong việc phân công giảng dạy. Hồ Chí Minh đã phân tích mặt trái của việc thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy trong thực tế: “Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho đoàn thể”. Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, coi đây là khâu quan trọng trong phát triển giáo dục quốc dân, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước. Mỗi người thầy đều phải học tập không ngừng thì mới làm tốt được công việc của mình. “Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu lớn như ngày nay có sự góp sức rất lớn của bao thế hệ thầy cô giáo. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan tâm, động viên, có chính sách đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo cũng chính là góp phần cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước một cách bền vững.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.