Bước ngoặt chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo ra một bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định tới toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là một chủ trương táo bạo và sáng tạo của Đảng ta, đánh thẳng vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của quân Mỹ, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris.
Mốc son lịch sử
Tháng 12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, “là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.
Với chủ trương đó, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn ra trên toàn miền Nam, đây là một cách đánh chưa từng có trong kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thể lường tới.
Theo đó, hướng tiến công không phải rừng núi, nông thôn mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế; mục tiêu không phải là các tập đoàn chủ lực mà vào cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với quy mô toàn miền, thời điểm đúng giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Thân… với phương châm kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng; đánh vào ý chí của đối phương bằng sức mạnh tổng hợp, quân sự, chính trị, ngoại giao.
Quân giải phóng làm chủ đường Lê Lợi ở Sài Gòn năm 1968. Ảnh tư liệu TTXVN |
Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 được tiến hành ba đợt.
Đợt 1, từ đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 đến ngày 25/2/1968, quân và dân Việt Nam trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay.
Đợt 2, từ ngày 5 đến ngày 12/5/1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố, thị xã, 58 thị trấn, quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch.
Đợt 3 được tiến hành từ ngày 17/8 đến ngày 30/9/1968, quân và dân ta đã tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố, thị xã. 100 thị trấn quận ly. Tuy nhiên, trong đợt 2 và đợt 3, ta chậm chuyển hướng chiến lược về nông thôn nên bị tổn thất nặng nề. Thế và lực của cuộc kháng chiến bị suy giảm ở cả ba vùng chiến lược, tình hình kéo dài cả năm 1969 đến năm 1970.
Sau ba đợt nổi dậy, “quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân đối phương, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bót, chi khu, phá 1.200 ấp chiến lược”.
Ngoài ra, ta đã tạo được phần nào hình thái “liên tục tiến công, liên tục nổi dậy”, đánh bồi liên tiếp, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ném bom hạn chế, rồi chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong bốn thành viên chính thức tham gia hòa đàm tại Paris.
Thắng lợi của sức mạnh đoàn kết
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân, đã có hơn 113.000 cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam thương vong, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống. Riêng trong cuộc tiến công các vị trí then chốt của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn trong đợt 1, có 74/88 chiến sĩ đặc công, biệt động thành Sài Gòn đã hy sinh và bị bắt.
Đại biểu tham quan Triển lãm ảnh "55 năm lịch sử khắc ghi - Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Rõ ràng, đối đầu với một siêu cường có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất trên thế giới thì không dễ gì chiến thắng mà ít tổn thất. Nhưng tổn thất không đồng nghĩa với thất bại, mà đó là sự hy sinh cần thiết để đánh bại ý chí đối phương, tiến đến kết thúc chiến tranh, để có được hòa bình, thống nhất.
Một số quan điểm cho rằng: “Việt cộng đã hoàn toàn thất bại”, “Mậu Thân là thất bại to lớn chưa từng có của cộng sản”, “Việt cộng hoàn toàn không đạt thành tựu gì trong tổng tiến công và nổi dậy” là những quan điểm phiến diện.
Cần khẳng định rằng, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1967, đầu năm 1968 đã biến thành quyết tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên cả hai miền Nam, Bắc, thể hiện qua sự chuẩn bị chu đáo về chiến trường, về lực lượng, về hậu cần... cũng như giữ được yếu tố bất ngờ (đợt 1).
Với thắng lợi đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân đã giành được một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Thắng lợi đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và của sức mạnh toàn dân đoàn kết quyết chiến quyết thắng, thắng lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp. Đó là thắng lợi chung của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc. Đó cũng là thắng lợi của nhân dân các nước anh em và bè bạn ta khắp năm châu”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân để lại nhiều bài học lịch sử quý. Đó là bài học thấu triệt tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bài học về sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy trên những địa bàn cụ thể; bài học về chọn thời cơ và thời điểm phát động Tổng tiến công và nổi dậy; bài học về thực hiện nghi binh, phân tán lực lượng địch...
Những bài học này đã giúp Đảng nhận thức sáng suốt hơn về thực tế chiến trường và đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn sau Mậu Thân, nhất là từ giữa năm 1970 trở về sau. Và rõ ràng, nếu không có Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi tới ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc