Buôn Ma Thuột sẽ là đô thị tầm cỡ, hiện đại, bản sắc, sinh thái
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là quyết sách có ý nghĩa rất đặc biệt đối với TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung trên hành trình thực hiện khát vọng trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Nhân dịp Xuân Quý Mão, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với đồng chí BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk về quyết sách này.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. |
* Thưa đồng chí Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây là lần đầu tiên một đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc tỉnh được Quốc hội trao cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và cả về kinh tế - xã hội của đất nước. Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên, trong đó, tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển đô thị của vùng. Xác định rõ vai trò, vị trí chiến lược rất quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột, ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị”. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với việc xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tại Kỳ họp thứ tư vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, tạo bước đột phá để phát triển TP. Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, tạo cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2022/QH15, quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Đây là nghị quyết riêng đầu tiên của Quốc hội cho một đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với địa bàn chiến lược này. Các cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển TP. Buôn Ma Thuột được Quốc hội, đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất cao; cử tri, nhân dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong chờ chính sách này.
* Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương. Vậy theo đồng chí, TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá gì để cơ chế đặc thù trở thành động lực cho phát triển?
Theo tôi, tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt nghị quyết này của Quốc hội. Trong đó, chú trọng tuyên truyền quảng bá để cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh hiểu rõ các cơ chế đặc thù mà thành phố được Quốc hội cho thực hiện để đầu tư, kinh doanh thúc đẩy xây dựng phát triển thành phố và tỉnh. Thứ hai, cần cụ thể hóa, thể chế hóa một số nội dung cụ thể thành các quy định của địa phương để thống nhất thực hiện. Thứ ba, cần quy hoạch thành phố xứng tầm đô thị trung tâm vùng với tầm nhìn chiến lược cho 30 đến 50 năm tới để định hình khung của đô thị trung tâm vùng, từ đó đầu tư, phát triển theo lộ trình và phải thực hiện nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt, tuyệt đối không điều chỉnh cục bộ để tránh phá vỡ quy hoạch, tạo nên một đô thị trung tâm vùng tầm cỡ, hiện đại, bản sắc, sinh thái. Thứ tư, cần xác định rõ các yếu tố của một đô thị trung tâm vùng để có lộ trình kế hoạch bước đi trong đầu tư xây dựng xứng tầm đô thị trung tâm vùng, ví dụ như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giao thông... phải vượt trội, hơn các địa phương khác trong vùng Tây Nguyên thì mới xứng tầm là đô thị trung tâm của vùng.
Đồng chí Bùi Văn Cường thăm hỏi người dân xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar. Ảnh: Hồng Chuyên |
Các đột phá mà tỉnh và thành phố cần tập trung thực hiện là phải tập trung xây dựng con người, trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ và phẩm chất tốt, đội ngũ doanh nhân giỏi, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của thành phố; chú trọng công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển thành phố; quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho sự phát triển của thành phố, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng đô thị, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp...
Như vậy, tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột cần triển khai thực hiện nhanh các chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội, tháo gỡ các rào cản, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm. Cùng với đó, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sự liên thông giữa các vùng kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, giữa các vùng, miền trong và ngoài tỉnh; phát triển hạ tầng đô thị, thiết lập hạ tầng số để xây dựng đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...
* Vậy, địa phương cần có những quyết sách, giải pháp gì để thực hiện tốt những đột phá ấy, thưa đồng chí?
Các cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ban ngành tỉnh Đắk Lắk cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất để thực hiện chính sách một cách đồng bộ, xuyên suốt.
Ngay từ bây giờ, tỉnh cũng như thành phố cần bắt nhịp ngay, có kế hoạch triển khai cụ thể, bài bản, toàn diện; tập trung nguồn lực để nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển. Chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư ở các lĩnh vực, nhất là công nghiệp chế biến, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kết nối theo hướng đồng bộ hiện đại. Đặc biệt, cùng với thực hiện nghị quyết này, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung bố trí nguồn lực và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Khánh Hòa để thực hiện nhanh Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, bởi đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.
* Theo đồng chí, vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội được thể hiện như thế nào?
Cơ chế, chính sách đặc thù chỉ được áp dụng trong thời gian 5 năm. Do đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột phải nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ công tác, coi việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận số 67 của Bộ Chính trị là một trọng tâm công tác để có kế hoạch triển khai cụ thể. Những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của thành phố thì tập trung tổ chức thực hiện, những nhiệm vụ liên quan đến thẩm quyền của tỉnh thì phải tập trung tham mưu, đề xuất và phải “đeo, bám” để được thực hiện. Từ tư duy đến cách làm phải có sự đổi mới, xử lý công việc phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng người, đúng việc, đúng thời gian và đặc biệt là không bị hạn chế bởi “tư duy nhiệm kỳ”.
* Cá nhân đồng chí từng là lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều dấu ấn, kỷ niệm với vùng đất này. Đồng chí mong chờ hình ảnh, diện mạo nào của TP. Buôn Ma Thuột thời gian tới?
Năm 2019, tôi được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đến gần giữa năm 2021. Mặc dù thời gian công tác không dài, nhưng tôi có nhiều tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền, với đất và người nơi đây, tôi luôn coi Đắk Lắk là quê hương của mình. Sau khi rời tỉnh để thực hiện nhiệm vụ công tác khác, tôi vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt và theo dõi sát sao về tình hình phát triển của địa phương. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk, địa phương sẽ ngày càng phát triển; TP. Buôn Ma Thuột sẽ sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, bản sắc, là thành phố đáng sống, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và điểm đến của cà phê thế giới.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Thông (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc