Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Bám sát thực tiễn để "dân vận khéo"

08:11, 14/02/2023

Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, thời gian qua, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể huyện Krông Búk tích cực triển khai, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn

Xã Ea Sin là một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao của huyện Krông Búk. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, xã Ea Sin có hơn 60 cặp tảo hôn, trong đó nhiều trường hợp cả vợ, chồng cùng chưa đủ tuổi kết hôn.

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Ea Sin thường xuyên có mặt tại những "điểm nóng" của nạn tảo hôn để nắm bắt tình hình thực tế, triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng vai trò, tiếng nói của đội ngũ già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong việc vận động con cháu, người dân xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh.

Ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Sin (bìa phải) tuyên truyền chống nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, việc duy trì và triển khai các mô hình phòng, chống tảo hôn cũng được địa phương tích cực triển khai. Đơn của như mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng buôn Ea Sin”; “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết buôn Ea Sin”; "Tổ tư vấn cộng đồng xã Ea Sin"... Tham gia vào mô hình, các thành viên có nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp thông tin, kiến thức về hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra; nắm bắt tình hình đời sống, tâm tự nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, phát huy vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới vẫn tồn tại trong cộng đồng.

 

“Bám sát thực tiễn để "dân vận khéo" là phương châm để các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác dân vận. Thời gian qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, huy động tổng lực hệ thống chính trị tham gia. Nhờ đó mà hằng năm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra” – Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Búk.

Chị H’Lo Ra Mlô, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Sin cho biết, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, tài liệu…, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Ea Sin đã giảm rõ rệt qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 có 8 cặp tảo hôn (giảm 19 cặp so với năm 2019). Nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân và gia đình, kết hôn đúng độ tuổi, sức khỏe sinh sản cũng được nâng lên.

Bảo đảm an ninh trật tự

Trước đây, xã Cư Né từng là “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Các thế lực phản động thường lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân chống phá chính quyền. Năm nào trên địa bàn xã Cư Né cũng có người nghe lời dụ dỗ, xúi giục của thế lực thù địch bỏ lại nhà cửa, nương rẫy vượt biên trái phép sang Lào, Campuchia.

Nắm bắt xu hướng phát triển, sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, việc triển khai mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình" qua mạng xã hội Zalo được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đồng thuận hưởng ứng. Các bài viết của Công an xã đăng tải trên trang Zalo “Công an xã Cư Né, huyện Krông Búk” tập trung cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội để nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự; hướng dẫn thủ tục làm căn cước công dân, đăng ký tạm trú… Nhiều thông tin, bài viết tuyên truyền đăng lên trang Zalo thu hút hàng nghìn lượt xem.

Ông Bùi Đình Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cứ Né (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình nuôi dê của gia đình anh Y Pang Mlô, buôn Drao, xã Cư Né.

Ngoài ra, nhiều mô hình dân vận thiết thực, hiệu quả khác cũng được tích cực triển khai, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương, như: Mô hình "Buôn Kmu -  hai không một giảm về ma túy"; "Thôn Ea Kroa tự quản về an ninh trật tư"; "Thôn, xóm không tệ nạn xã hội tại thôn Ea Krôm"...  Thông qua hoạt động của các mô hình đã giúp lực lượng công an thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, chủ động nắm bắt tình hình thực tế tại cơ sở. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm.

Cùng với đó, việc thực hiện “dân vận khéo” còn được lồng ghép qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện, như: hỗ trợ sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hoạt động thiện nguyện, tặng quà, khám chữa bệnh.... Qua đó, thắt chặt mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa nhân dân với chính quyền địa phương, tạo tiền đề, động lực để công tác dân vận đạt hiệu quả.

Theo Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy, Trưởng Công an xã Cư Né, nhờ chú trọng công tác dân vận trong việc tuyên truyền, vận động và đấu tranh với các loại tội phạm nên ba năm gần đây, trên địa bàn xã không còn người vượt biên trái phép, 16 trường hợp vượt biên đã hồi hương, trở về đoàn tụ với gia đình, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn xã cũng giảm dần. Hiện Công an xã Cư Né đang lập hồ sơ quản lý 20 người nghiện (giảm 20 người so với năm 2019). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân yên tâm phát triển kinh tế.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc