Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm

08:44, 14/02/2023

Mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định số 47/QĐ-UBND, ngày 3/2/2023 ban hành Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Mục tiêu của chương trình là nhằm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được các cấp, các ngành trong tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là ý thức tiết kiệm của Bác Hồ, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm rất thiết thực, hiệu quả.

Chỉ bằng những món tiền, nắm gạo nhỏ, vật dụng cũ nhưng “góp gió thành bão”, nhiều tổ chức, đoàn thể đã giúp nhiều hộ dân nghèo, học sinh khó khăn thêm ấm lòng, tin tưởng vào sự chia sẻ của cộng đồng, xã hội, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của tỉnh năm 2022
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp của tỉnh năm 2022. (Ảnh minh họa CTV)
Nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức gọn nhẹ hơn, không còn rầm rộ, tốn kém không cần thiết. Chẳng hạn, vào ngày khai giảng năm học mới, chỉ có các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến dự và chung vui với thầy trò ở một số trường, địa phương trong tỉnh, hạn chế được những nghi thức không cần thiết mà không khí khai giảng vẫn vui tươi, phấn khởi, đầy ý nghĩa. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chủ trương khi tổ chức các đoàn đi cơ sở để làm việc, nắm tình hình thì luôn yêu cầu lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung để cùng đi một xe cho đỡ tốn kém. Tỉnh cũng có quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô công phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có quy định về khoảng cách từ nơi làm việc đến nơi công tác được phép sử dụng xe ô tô đối với từng chức danh cụ thể. Mục đích cũng không gì ngoài việc là nhằm tiết kiệm chi phí công.

Vì vậy, trong Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, cùng với bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, tỉnh kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu... để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Tỉnh, các cơ quan, ban, ngành thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác phân bổ, quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn đầu tư công bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối, khả năng thực hiện và giải ngân của dự án. Các cấp, các ngành phải quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình. Thủ trưởng, người đứng đầu phải có trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.

Với tinh thần trên, hy vọng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, mọi lúc, mọi nơi, theo đúng chủ trương của tỉnh, chứ không nên dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu chung chung.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.