Multimedia Đọc Báo in

Để nông nghiệp vững vai trụ đỡ

08:12, 02/03/2023

Nghị quyết Đại hội XIII xác định tầm nhìn: "Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Với tầm nhìn như vậy, an ninh lương thực sẽ được tiếp cận theo hướng "An ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng". Điều đó cũng có nghĩa ngành nông nghiệp cùng với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, cần phát triển tích hợp "đa giá trị", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh". Trọng trách trụ đỡ của nông nghiệp đối với kinh tế đất nước tiếp tục khẳng định và đưa lên tầm cao hơn.

Những nghị quyết bản lề

15 năm trước, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành. Thời điểm đó, sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, diện mạo nền nông nghiệp đã phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới.

Đến ngày 16/6/2022, Nghị quyết 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời. Đây cũng là dấu mốc tổng kết sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW với bức tranh nông nghiệp tiếp tục có sự khởi sắc cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Công cuộc đổi mới của Đảng đã từng bước “cởi trói” và tạo bệ phóng vươn mình cho nền nông nghiệp. Thực tiễn lịch sử và sự ra đời của các nghị quyết chuyên đề mang tính quy mô toàn diện và chiến lược đã khẳng định quan điểm nhất quán và sâu sắc hơn về vai trò trụ đỡ của nông nghiệp trong nền kinh tế quốc gia.

Máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật cho rừng cây cao su. Ảnh: Hoàng Gia

Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045: Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới.

Đổi mới tư duy sản xuất

Trọng trách trụ đỡ thực sự khó vững vai khi phát triển nông nghiệp còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Mấu chốt và hạt nhân cốt lõi để nông nghiệp vững vai trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế thị trường chắc chắn cần sự chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Để có sự “thay máu” trong tư duy sản xuất này, tất yếu cần phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, công tác khuyến nông, khuyến công đổi mới theo hướng kết hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Sự ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới, tiêu thụ khó khăn đã, đang và luôn là hồi chuông cảnh báo về sự cực đoan trong giữ ổn định các thị trường truyền thống mà thiếu sự mở rộng và đa dạng hóa, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào một số ít thị trường. Điều đó có thể từng bước hóa giải bằng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; thông tin kịp thời các cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu. Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tạo cơ sở nền tảng cho nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa yên tâm “an cư lạc nghiệp”, giữ ổn định, Nghị quyết 19 cũng hoạch định rõ: Bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất chuyên lúa, hằng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020. Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng.

Ngày 27/2/2023, Chính phủ đã có Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, về nông nghiệp, đáng chú ý là xây dựng nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, năng suất bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời chủ động tham gia đóng góp vào các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam. Phát triển quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.