Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk xếp vị thứ 27 và 38 về Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX 2022

14:10, 19/04/2023

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số hài lòng về CCHC năm 2022.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật.

Đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Đại biểu tại số điểm cầu tham dự phiên họp.
Đại biểu tại số điểm cầu tham dự phiên họp. (Ảnh chụp màn hinh)

Có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 12.5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng...

Tại phiên họp, Bộ Nội vụ cũng công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) 2022 và Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngành bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương (PAR INDEX) 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đồng chủ trì tại điểm cầu Đắk Lắk.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đồng chủ trì tại điểm cầu Đắk Lắk.

Với 80,47 điểm, tỉnh Đắk Lắk xếp vị thứ 27 (tăng 32 bậc so với năm 2021) về Chỉ số SIPAS; và xếp vị thứ 38 (hạ 2 bậc so với năm 2021) với 84,47 điểm về Chỉ số PAR INDEX.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CCHC, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung, đạt được những bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Với tinh thần đổi mới, lấy con người làm trung tâm, các bộ, ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.