Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Thu ngân sách quý I đạt 33,69% dự toán tỉnh giao

14:34, 11/04/2023

Ngày 11/4, Đảng bộ huyện Krông Năng tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 13 (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quý I, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng còn lại của năm 2023.

Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Trung Hiển, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Các đồng chí Nguyễn Thị Thu An, Bí thư Huyện ủy; Y Bion Niê, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Vũ Văn Mỹ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.

1
Đại biểu tham dự hội nghị.

Trong 3 tháng đầu năm, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức song Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn huyện gieo trồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023 được 2.081/2010 ha (đạt 103,53% kế hoạch); thu ngân sách Nhà nước đạt trên 30,1 tỷ đồng (đạt 33,69% dự toán tỉnh giao và 14% kế hoạch HĐND huyện đề ra); tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 trên 230 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 43 tỷ đồng (đạt 18,84% kế hoạch); công tác giao thông, xây dựng, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai, trật tự đô thị được chú trọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính Nhà nước; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ, viên chức từ huyện đến cơ sở.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được triển khai thực hiện theo quy định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

1
Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An phát biểu tại hội nghị.

Về xây dựng Nông thôn mới, đến nay huyện đạt 129 tiêu chí/11 xã, bình quân đạt 11,72 tiêu chí/xã; có 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 43 tiêu chí/11 xã, bình quân đạt 6,8 tiêu chí/xã.

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đã kết nạp được 22 đảng viên mới, đạt 13,5%, chuyển đảng chính thức cho 54 đảng viên dự bị; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường kiểm tra kịp thời; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao...

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn huyện, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân huyện, nhiệm kỳ 2023 - 2028 bảo đảm kế hoạch đề ra…

Hội nghị cũng đã chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục như: sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, vướng mắc; việc nắm bắt tâm tư của nhân dân còn chưa kịp thời, sâu sát...

1
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Vũ Văn Mỹ tham gia ý kiến tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An đề nghị các cấp, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong quý I; đồng thời dự báo tình kinh tế - xã hội trong thời gian tới có nhiều thuận lợi và khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng còn lại của năm 2023, đề nghị các cấp, ngành cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung công tác trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Trong đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư gắn với hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện; tổ chức công tác diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2023 bảo đảm; xử lý nghiêm hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị theo hướng sát dân, gần dân, trọng dân.

Về công tác cải cách hành chính, đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực công tác, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, với phương châm “việc dễ làm trước, việc khó làm sau; việc cần ít kinh phí làm trước, việc cần nhiều kinh phí làm sau”, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng “được phục vụ”…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.