Multimedia Đọc Báo in

Những nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết

09:04, 14/04/2023

Những nữ bí thư chi bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Krông Năng không chỉ phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của đồng bào về vị thế, vai trò của người phụ nữ.

Nữ bí thư chi bộ giữ gìn văn hóa truyền thống

Chị H Nguen Niê Kđăm, SN 1992, hiện là Bí thư Chi bộ buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng. Trước khi làm Bí thư Chi bộ buôn, chị H Nguen đã trải qua các vị trí công tác như Phó Bí thư Chi đoàn buôn Wiao A, Phó Bí thư Đoàn thị trấn Krông Năng; năm 2021, chị được bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Wiao A.

Chị H Nguen Niê Kđăm (hàng dưới, bìa phải) và đội nghệ nhân buôn Wiao A tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: NVCC

Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng trên cương vị nào chị H Nguen cũng được các đảng viên trong chi bộ, bà con trong buôn yêu mến, gửi gắm tâm tư, tình cảm và những mong muốn góp sức xây dựng quê hương. Hiểu được điều đó, phát huy vai trò của người đứng đầu chi bộ và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị H Nguen đã tích cực cùng người dân phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giúp bà con thoát nghèo, chị đã cùng với chi bộ vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện xen canh các giống cây ăn quả trong vườn cà phê; ngoài ra, chăn nuôi thêm gia cầm, trồng thêm rau xanh quanh nhà để cải thiện những bữa cơm gia đình.

Đặc biệt, chị là nhân tố đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng, gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS tại địa phương. Ở buôn Wiao A, truyền thống của người Êđê vẫn được bảo tồn và phát triển với những ngôi nhà sàn đặc trưng, nghệ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống, trình diễn cồng chiêng... Buôn còn có đội cồng chiêng, đội múa xoang được đánh giá cao, đạt nhiều thành tích trong các liên hoan, hội thi văn nghệ quần chúng.

 

“Hiện nay, huyện Krông Năng có 60 đảng viên người DTTS là bí thư chi bộ thôn, buôn. Đảng viên người DTTS chính là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Năng Y Bion Niê.

Chị H Nguen tâm sự: “Tôi rất may mắn khi được sinh sống tại buôn mang đậm văn hóa truyền thống này. Bản sắc dân tộc đã ngấm vào máu, càng khiến tôi mê đắm và thêm yêu những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình”. Chính tình yêu đó đã thôi thúc chị H Nguen học hỏi các nghệ nhân đi trước, tham gia nhiệt tình vào các chương trình văn hóa, văn nghệ do buôn, thị trấn, huyện và tỉnh tổ chức; từ đó trau dồi thêm kiến thức cho bản thân và vận dụng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị.

Cụ thể, trong các buổi sinh hoạt, nữ bí thư chi bộ đã lồng ghép tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa truyền thống; đồng hành với các chương trình của thanh niên, gắn văn hóa truyền thống với các hoạt động; khơi gợi và lan tỏa tình yêu văn hóa của mình đến với mọi người dân; động viên thế hệ trẻ học đánh cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống…

Đến nay, đội nghệ nhân của buôn Wiao A tự hào có các thế hệ nối tiếp, trao truyền; được nhận bằng khen, giấy khen các cấp; được sự ủng hộ của người dân... Đó là thành quả từ sự hỗ trợ của chính quyền, nỗ lực của người dân và góp sức của nữ bí thư H Nguen Niê Kđăm.

Năng nổ, nhiệt tình và cống hiến

Chị H Nguyệt Mlô, SN 1989, Bí thư Chi bộ buôn Hô (xã Ea Hồ) cũng là một điển hình về nữ bí thư chi bộ, nhiệt tình năng nổ. Dù mới tiếp nhận cương vị Bí thư Chi bộ buôn Hô từ tháng 8/2022 nhưng chị H Nguyệt đã có nhiều đóng góp cho buôn, ngày càng khẳng định vị thế của một nữ đảng viên trẻ.

Hiện nay Chi bộ buôn Hô có 24 đảng viên, 100% đảng viên là người DTTS, lớn tuổi. Vì vậy, là đảng viên trẻ, lại là phụ nữ nên ban đầu khi tiếp nhận công việc, chị Nguyệt còn cảm thấy dè dặt, ngại ngùng. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, chị đã tích cực trau dồi kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, lối sống; đồng hành cùng cuộc sống của bà con; từ đó được sự tin tưởng của đảng viên, nhân dân.

Chị H Nguyệt Mlô (bìa trái) cùng người dân cài đặt định danh điện tử VNeID. Ảnh: NVCC

Chị H Nguyệt tâm sự: “Mình là người sinh ra và lớn lên ở buôn nên hiểu khá rõ về đời sống, văn hóa, phong tục của bà con”. Vì vậy, nữ bí thư đã có những cách tiếp cận, tuyên truyền cho bà con về mọi mặt từ kinh tế, xã hội một cách phù hợp. Bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhất là cùng với phụ nữ giữ gìn vệ sinh nhà cửa, buôn làng, rồi tuyên truyền, vận động bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp và thay đổi phát triển kinh tế.

Chị đồng hành, tạo điều kiện để người dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là với cây sầu riêng; vận động, hỗ trợ thành lập mô hình “góp vốn xoay vòng”, “tiết kiệm và vốn vay”... giúp đỡ người dân trong buôn có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, cuộc sống hiện nay của bà con đã có nhiều thay đổi, có nhiều chuyển biến tích cực, từ diện mạo nông thôn cho đến thu nhập, đời sống văn hóa.

Khó khăn nhất lúc này của buôn chính là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái sầu riêng. Vì vậy, chị cùng các đoàn thể trong buôn, xã cùng phối hợp, liên kết để tìm hướng ra cho sầu riêng một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới. Tin rằng, với sự nhiệt huyết, năng nổ và sức trẻ, chị H Nguyệt sẽ đưa buôn làng ngày càng phát triển.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.