Bác Hồ trong trái tim thế hệ trẻ
Dù chỉ biết Bác qua những câu chuyện lịch sử, qua các bộ phim tư liệu hoặc phương tiện truyền thông… nhưng thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt với niềm tự hào, lòng kính trọng sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Là một trong hai học sinh của tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Hội đồng Đội Trung ương trao tặng Giải thưởng Kim Đồng năm học 2022 – 2023, em Lê Nguyễn Minh Thư (lớp 8A, Liên đội trưởng Liên đội Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) đã chia sẻ niềm vinh dự, tự hào khi vừa được ra Thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng và vào Lăng viếng Bác: “Khi ngắm dáng ngủ yên bình, chòm râu dài, mái tóc bạc phơ của Bác, em thật sự xúc động, đó là giây phút mà em cảm thấy thật thiêng liêng! Từ đó, em luôn tự hứa với bản thân sẽ cố gắng để học tập tốt hơn, vâng lời cha mẹ để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.
Em Lê Nguyễn Minh Thư. |
Với em Đặng Thị Phương Thảo (huyện Buôn Đôn, học sinh lớp 12 Anh - Pháp, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) thì hình ảnh Bác Hồ đã in sâu trong tâm trí của mình qua những câu chuyện, những bài học trên lớp mà thầy cô đã truyền tải, đặc biệt là qua môn Lịch sử. Phương Thảo chia sẻ: "Từ những câu chuyện về con người, cuộc đời của Bác, nhất là về quá trình tự học đã truyền năng lượng tích cực cho các thế hệ chúng em. Bản thân em đã cố gắng để trở thành một bí thư chi đoàn xuất sắc, được thầy cô tin tưởng, được tham gia nhiều hoạt động xã hội và ngày càng hoàn thiện bản thân".
Em Đặng Thị Phương Thảo. |
“Cách thiết thực nhất để học và làm theo Bác là cố gắng học thật tốt, góp phần xây dựng quê hương" là tâm niệm của Y Un Diễm (dân tộc Triêng, sinh viên năm 2, lớp Sư phạm Tiếng Anh K21, khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tây Nguyên). Y Un sinh ra và lớn lên tại tỉnh Kon Tum trong gia đình kinh tế khó khăn, cuộc sống dựa vào nương rẫy. Khi lên 5 tuổi, cha mẹ ly dị nên Y Un Diễm cùng em gái (bị thiểu năng trí tuệ) về sống cùng với bà ngoại. Đến khi học lớp 7, bà ngoại cũng rời xa hai chị em vì bị bệnh ung thư. Trong hoàn cảnh éo le đó, hai chị em Y Un Diễm được một gia đình ở gần đó nhận nuôi, giúp đỡ, chăm sóc; bằng ý thức, nghị lực của mình nên em đã ra sức học tập, rèn luyện và đã thi đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên.
Sinh viên Y Un Diễm. |
Y Un Diễm cho biết, ở cùng bà ngoại (là người đã từng hoạt động cách mạng), nên trong các câu chuyện bà kể đều có hình ảnh về Bác. Khi lớn lên, được đi học và tiếp xúc nhiều hơn qua sách báo, phương tiện truyền thông, nhất là những bài học về nghị lực phi thường của Bác trong những tháng năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã thúc đẩy bản thân em cố gắng hơn nữa trong việc học tập, rèn luyện.
Trong 2 năm học vừa qua, Y Un Diễm luôn nằm trong “top” đầu về thành tích học tập cũng như phong trào của ngành, khoa, trường với các thành tích tiêu biểu như: danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh năm 2022; Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” trường Đại học Tây Nguyên nhiệm kỳ 2021 - 2023, 2023 – 2025; giải Nhất hội thi “Sinh viên với biến đổi khí hậu môi trường” cấp trường, năm học 2022 – 2023; giải Ba hội thi “Sinh viên Đắk Lắk chủ động chuyển đổi số” cấp tỉnh, năm học 2022 – 2023; giải Ba hội thi “Kể chuyện đạo đức Bác Hồ” năm học 2021 – 2022.
Ngoài ra, Y Un Diễm còn là một trong 16 sinh viên xuất sắc khu vực Tây Nguyên được nhận học bổng của Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen và Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức (WUS) cho sinh viên vượt khó học tốt năm học 2022 - 2023.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc