Multimedia Đọc Báo in

Đất Mẹ đón các anh về

08:17, 25/05/2023

Nằm lại giữa chiến trường biết bao nhiêu năm, chiều 24/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức đón 22 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia trở về với đất Mẹ quê hương…

Những bước chân xuyên rừng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau day dứt nhất lòng người có lẽ là còn quá nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin, chưa tìm được phần mộ. Thấu hiểu điều này, mỗi năm thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội K51 đều không quản gian nguy, cố gắng bằng tất cả lòng thành để đón các anh hùng về với đất Mẹ.

Lãnh đạo cùng cán bộ, nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ.

Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ năm nào cũng vậy, bộ đội K51 luôn làm việc với hơn 100% sức lực, tinh thần. Mùa khô năm nay, các anh ròng rã trèo đèo, lội suối, băng rừng cả 7 tháng liền để nắm bắt thông tin, tổ chức tìm kiếm, cất bốc và hồi hương 22 hài cốt liệt sĩ.

Theo thông tin do Quân đoàn 3 và một cựu chiến binh tên Thuận, hiện sinh sống ở tỉnh Đắk Nông cung cấp, tại khu vực núi Nậm Nia (huyện Bétchanđa) có 5 liệt sĩ của ta nằm yên nghỉ. Lần theo nguồn tin, ròng rã 5 năm liền, Đội K51 đã đào xẻ không biết bao nhiêu lớp đất đá, nhưng vẫn như “mò kim đáy bể”. Quyết không bỏ cuộc, năm nay, Đội kiên trì trở lại khu vực Nậm Nia đến 3 lần, trong đó vào ngày thứ 9 của lần cuối, điều bất ngờ đã đến. Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm kể: “Chiều hôm đó, cán bộ, chiến sĩ Đội xuống suối tắm, vô tình phát hiện bộ tăng võng nằm ngay ven suối. Phát hiện di vật của bộ đội Việt Nam, Đội K51 lập tức khoanh vùng đào xới, tìm kiếm và phát hiện 5 bộ hài cốt nằm liên tiếp nhau… Năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đội phát hiện hai khu vực mộ tập thể, nằm ở các huyện Bétchanđa (5 mộ) và huyện Keosama (9 mộ) thuộc tỉnh Mondulkiri”.

Cảm động và bất ngờ nhất với người lính K51 trong mùa khô này có lẽ là khi phát hiện hài cốt liệt sĩ thứ 22. Khi đó, Đội gần như đã hoàn tất mọi thủ tục, chuẩn bị rút quân về Đắk Lắk thì nhận được tin có mộ liệt sĩ. Không chần chừ, Đội K51 nhờ sự kết nối của Thiếu tá Khai Cân - lực lượng bảo vệ của nước bạn và nhanh chóng đến hiện trường. Đó là khu vực nương rẫy của người dân buôn Xa Ra, trong quá trình họ đào hố, chặt cây đã phát hiện chiếc bình tông và hài cốt liệt sĩ…

Trở về đất Mẹ thiêng liêng

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Mondulkiri; đại diện các cơ quan, ban, ngành cùng nhân dân đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ sự tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn đối với liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dành trọn tuổi thanh xuân, anh dũng, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tinh thần đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả.

Từ Đắk Nông qua viếng mộ bố là liệt sĩ Nguyễn Văn Tim, bà Nguyễn Thị Phương (62 tuổi) rưng rưng: “Năm nào tôi cũng tranh thủ vài bận để đến thăm, kể chuyện cùng bố về cuộc sống của đại gia đình. Năm nay xúc động hơn khi đến đúng dịp tỉnh Đắk Lắk truy điệu 22 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia”.

Lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong giờ phút xúc động và thiêng liêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh H’Yim Kđoh đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ đã dành trọn tuổi xuân, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đồng thời khẳng định: “Nối tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn’’, toàn tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, để góp phần sưởi ấm anh linh của những anh hùng liệt sĩ, trọn vẹn nghĩa tình với thân nhân”.

23 năm qua, tỉnh đã quy tập được 697 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ ở tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.