Multimedia Đọc Báo in

Gặp thủy thủ trên “Đoàn tàu không số” năm xưa

06:30, 21/05/2023

Những ngày tháng Tư chúng tôi tìm đến căn nhà số 43 đường Nguyễn Tri Phương (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) gặp ông Phạm Ngọc Sơn (SN 1952) cựu thuyền phó một con tàu thuộc “Đoàn tàu không số” năm xưa...

Ông Sơn là con út trong gia đình có ba anh em ở xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ (nay là TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Năm 1972, vừa tròn 20 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã cùng với hàng nghìn thanh niên “gác bút nghiên” lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 623 (Tiểu đoàn bộ binh), Sư đoàn 338 huấn luyện tại tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 1 tháng huấn luyện cơ bản, ông được chọn đi đào tạo sĩ quan Hải quân, chỉ huy tàu mặt nước. 13 tháng sau, ông được điều chuyển về Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) với nhiệm vụ vận chuyển cán bộ, vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, ông cùng đồng đội “cưỡi sóng, vượt gió” ngày đêm lênh đênh trên biển để thực hiện nhiệm vụ.

Cựu thủy thủ Phạm Ngọc Sơn giới thiệu về những con tàu thuộc “Đoàn tàu không số”.

Trước khi lên tàu vượt biển làm nhiệm vụ, tất cả cán bộ, chiến sĩ phải cắt đứt liên lạc với gia đình để bảo đảm bí mật và được đơn vị tổ chức Lễ truy điệu sống. Theo đó, các thủy thủ trang nghiêm đứng chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, tự tay tháo mũ, huy hiệu, cầu vai bỏ vào ba lô cóc để tại đơn vị nếu lỡ có hy sinh thì những kỷ vật đó được gửi về cho gia đình. “Mỗi con tàu đều có số hiệu riêng nhưng để bảo đảm bí mật nên số hiệu tàu được thay đổi liên tục. Mỗi tàu thường có từ 12 - 15 cán bộ, chiến sĩ thông minh, quyết đoán, táo bạo và đều xác định khi gặp hiểm nguy, sẵn sàng quyết tử, tự phá tàu, kiên quyết không để rơi vào tay địch”, ông Sơn cho hay.

Từ năm 1973 cho đến ngày đất nước trọn niềm vui, ông Sơn cùng đồng đội thực hiện 13 chuyến vận tải đường biển đưa vũ khí, đạn dược từ bến K15 (nơi xuất phát của những con tàu không số ở Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) vào bờ biển các tỉnh phía Nam. Trong đó có những chuyến phải lênh đênh trên biển hàng tháng trời nhưng cán bộ, chiến sĩ trên tàu đoàn kết vượt qua gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ. Ông Sơn nhớ lại: “Đoàn tàu không số” khi đi đến vùng biển của nước nào phải treo cờ của nước đó hoặc giả dạng tàu đánh cá của ngư dân để địch không phát hiện. Mỗi khi lên phương án vận chuyển vũ khí vào miền Nam, đa số các tàu đều chọn lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, tuy trang bị hàng hải thô sơ nhưng bằng trình độ, kinh nghiệm dày dặn, các thủy thủ vẫn phán đoán được thời tiết, nắm vững địa hình để di chuyển ngoài khơi nhanh chóng, chính xác, an toàn...

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà tri ân cựu thủy thủ Phạm Ngọc Sơn (bìa phải).

Mỗi chuyến đi trên biển, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” không chỉ đấu trí với kẻ thù mà còn phải vượt qua bao sóng gió, thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt. “Có những ngày không thể nấu ăn được, chúng tôi chỉ ăn lương khô và uống nước; nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Dù gian khổ, mất mát nhưng chúng tôi luôn tự hào đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, ông Sơn bồi hồi kể.

Với riêng ông Sơn cũng như những cán bộ, chiến sĩ trên “Đoàn tàu không số” đều lấy sự mưu trí, quả cảm, hy sinh, quyết tử cho Tổ quốc của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh để noi theo. Bất giác câu chuyện về sự hy sinh bi tráng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội ùa về trong ông Sơn: “Trong một cuộc chiến đấu trên biển vào tháng 3/1968, tàu chiến địch phát hiện tàu của ta nên đã tấn công điên cuồng. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt, thuyền trưởng Vinh bị thương ở đầu nhưng vẫn chỉ huy đồng đội chiến đấu. Không thể phá vòng vây dày đặc của địch, thuyền trưởng Vinh hạ lệnh cho đồng đội rời tàu bơi vào bờ, còn mình và thợ máy Ngô Văn Thứ đã ở lại kích nổ phá hủy tàu, chấp nhận hy sinh chứ không để vũ khí rơi vào tay địch”.

Đất nước thống nhất, ông Sơn trở về Hà Nội tiếp tục học đại học rồi vào Tây Nguyên công tác ở nhiều nơi, trong đó từng tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Tây Nguyên. Năm 2002 ông nghỉ hưu và về ở với con cháu tại phường Thành Công và tham gia sinh hoạt cựu chiến binh ở địa phương. Hằng năm, ông đều tham gia nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ về những tấm gương yêu nước, dũng cảm của thế hệ cha anh đối với nền độc lập của dân tộc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.