Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh

14:11, 30/05/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao địch điện tử (sửa đổi).

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu tương đối đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu, chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng, toàn diện.

Góp ý về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, giao dịch điện tử (GDĐT) có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong GDĐT, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chi phí điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện GDĐT là phù hợp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, những hành vi tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cần được nghiêm cấm trong GDĐT. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung những hành vi trên vào khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. 

Phiên làm việc sáng 30/5. Ảnh: quochoi.vn
Phiên làm việc sáng 30/5. Ảnh: quochoi.vn

Về thời điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể được xác định trong các trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì ở bất kỳ địa điểm nào, thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận thì địa điểm đó vẫn được coi là trụ sở của người gửi, người nhận nếu người gửi, người nhận là cơ quan, tổ chức; được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân. 

Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp với tính chất GDĐT trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, quy định này chưa thống nhất với Luật Cư trú, Luật Doanh nghiệp quy định về nơi cư trú và trụ sở của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, việc xác định địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết phát sinh tranh chấp trên thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này chặt chẽ hơn và phù hợp với các Luật liên quan.

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay trên thế giới đang chuyển đổi theo xu hướng lưu trữ điện tử, những tài liệu xuất bản trong tương lai phần nhiều sẽ là ở dạng điện tử. Vì vậy, việc chuyển đổi dữ liệu giữa văn bản điện tử và văn bản giấy áp dụng trong các thủ tục hành chính sẽ ngày càng tăng. Việc sử dụng văn bản điện tử cũng đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, đại biểu nhất trí cao với việc bổ sung quy định trong Điều 15 trong việc chuyển đổi văn bản giấy sang văn bản điện tử và ngược lại. Dự thảo luật đang quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, đại biểu đề nghị cần quy định kỹ lưỡng về nội dung này ngay tại văn bản luật.

Đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong GDĐT. Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong GDĐT đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu cho rằng, công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền được pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước được trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến Nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.

Để tránh sự chồng chéo và bảo đảm có tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khả thi và triển khai thực hiện luật ngay khi được thông qua mà không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, đại biểu đề nghị là cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đề nghị giữ nguyên việc quản lý nhà nước và lĩnh vực cơ yếu và chữ số chuyên dùng công vụ; bổ sung một khoản vào Điều 27 quy định cụ thể về chữ ký số chuyên dùng công vụ tại dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ…

Trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu cũng tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.