Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Hoàn thiện các biện pháp khắc phục để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

13:28, 26/05/2023

Sáng 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cũng đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị. Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật.

Theo đại biểu, hai luật có tác động trực tiếp nhất thúc đẩy để nước ta trở thành một nước văn minh đó là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, hành vi đi lại và hoạt động kinh doanh, mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí được thực hiện thường xuyên nhất. Hiện nay, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn.

Đại biểu cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục, không đảm bảo an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế.

Theo đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác. Tại Khoản 6, Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, Luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Về các nội dung cụ thể, tại Điều 31 dự thảo quy định là tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các tổ chức kinh tế, các cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.

Về việc quy định bắt buộc phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng, đại biểu cho rằng chỉ nên áp dụng đối với những cái doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết theo quy định. 

Theo đại biểu, trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 của dự án Luật.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Góp ý về quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ tại khoản 3 Điều 20, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ hoặc dẫn chiếu quy định pháp luật khác có liên quan đến thời hạn lưu trữ này để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và tránh phát sinh khiếu nại.

Phiên làm việc sáng 26/5. Ảnh: quochoi.vn
Phiên làm việc sáng 26/5. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại Điều 40, đại biểu cho biết, dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu các tổ chức, cá nhân đó nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.

Hiện nay, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định nguyên tắc ngay trong dự thảo Luật về việc gỡ bỏ thông tin cảnh báo để đảm bảo tính hợp lý. Dự thảo Luật mới chỉ giới hạn việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các hình thức bán hàng khác như bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục vẫn chưa đề cập. Trong khi đó, các giao dịch ngoài không gian mạng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong đời sống xã hội.

Đối với hình thức bán hàng tận cửa tại Điều 44 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị đánh giá thêm về tính khả thi của quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành thời hạn ba ngày để người tiêu dùng cân nhắc về việc quyết định thực hiện hợp đồng; hoặc quy định bắt buộc người tiêu dùng phải tự ghi ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng. Đại biểu nhấn mạnh, đây là những giao dịch dân sự nên quy định cần có sự mềm dẻo, linh hoạt, qua đó thể hiện được ý chí của các bên sẽ phù hợp hơn.

Một số ý kiến đề nghị cần rà soát, quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng... cho phù hợp, thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Đồng thời cần nghiên cứu, rà soát để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của dự thảo với một số Luật hiện hành như Luật Thương mại, Luật Chất lượng hàng hóa… 

Đại biểu đề nghị trong quá trình thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, đóng vai trò là bên trung gian để quá trình được khách quan, minh bạch hơn…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật trên một số nội dung như: phạm vi, khái niệm điều chỉnh, khái niệm người tiêu dùng, áp dụng pháp luật, tính thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của các tổ chức xã hội…

* Chiều nay, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.