Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

15:05, 25/05/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 25/5 Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đa số đại biểu đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo đó, với những quyết sách đúng đắn kịp thời của Quốc hội, điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình hình KT-XH những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, chính sách về dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng, bình đẳng giới… Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đang đặt ra, từ đó có giải pháp phù hợp.

Đại biểu Tổ 14 tham gia thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tổ 14 tham gia thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Bày tỏ đồng tình với nội dung cơ bản tại báo cáo của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT-XH theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra.

Lo ngại trước những khó khăn thách thức từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu kiến nghị Chính phủ có giải pháp rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm vấn đề cụ thể. Theo đó, cần tập trung công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài  khóa, chính sách vĩ mô khác một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành, nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuât, kinh doanh; đảm bảo việc làm cho người lao động;…

Liên quan tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian vừa qua, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Đoàn Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận Tổ 13. Ảnh: Quochoi.vn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Nhấn mạnh nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay, đại biểu cho biết, trong bối cảnh các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng trong ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và xuất khẩu sang nhiều thị trường. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp tạo mọi điều kiện để các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang các nước.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt, tập trung trong chỉ đạo, điều hành mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%; trong đó chú trọng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo đại biểu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không có và khó tiếp cận nguồn vốn, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giải ngân quyết liệt.

Một số ý kiến cho rằng, cần ưu tiên giải ngân vốn cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản để vực dậy nền kinh tế. Đại biểu cũng nêu tình trạng “muôn thuở” trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đó là vướng về thủ tục hồ sơ và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng…

Một số đại biểu phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.

Đại biểu cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội…

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu thảo luận tại Tổ 13, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp với việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.

Nêu rõ một số hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch chưa phát huy hiệu quả,… đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; …

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đưa ra những nhận định, phân tích cụ thể đối với vấn đề về an ninh nguồn nước hiện nay. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, đại biểu đề nghị cần có chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Đại biểu Nguyễn thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) tham gia đóng góp ý kiến thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) tham gia đóng góp ý kiến thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) tán thành với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, do quá chú trọng kiểm soát lạm phát khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm đã dẫn tới nhiều bất cập trong  phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị cần có dự  báo, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn,...

*Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.