Multimedia Đọc Báo in

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

15:45, 16/05/2023

Sáng 16/5, Đoàn giám sát số 51 của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) từ năm 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan. 

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 1.074 ĐVSNCL (trong đó có 7 đơn vị thuộc UBND tỉnh; 128 đơn vị thuộc sở, ngành và tương đương; 939 đơn vị thuộc UBND cấp huyện) với 39.782 người làm việc. Trong giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị sắp xếp giảm 104 ĐVSNCL, tinh giản 3.067 biên chế viên chức so với năm 2018, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.

Việc tổ chức đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Sau khi sắp xếp lại, các đơn vị đã và đang hoạt động ổn định, tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; việc giải quyết chế độ, chính sách cho số biên chế dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động về vị trí, tầm quan trọng của việc sắp xếp các ĐVSNCL từng bước được nâng lên, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan.
Thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống tổ chức; quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: việc sáp nhập và gom các điểm lẻ của các đơn vị sự nghiệp giáo dục còn bất cập do dân cư không tập trung, địa bàn rộng; quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong công tác cán bộ, nhất là sắp xếp, giải quyết, thực hiện chế độ, chính sách đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dôi dư, trong khi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; việc xây dựng phương án tự chủ về tài chính của các ĐVSNCL và trình phê duyệt còn chậm; số lượng ĐVSNCL có điều kiện chuyển sang tự đảm bảo về chi thường xuyên và số đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên còn hạn chế…

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh làm rõ thêm một số nội dung như: Số đơn vị cần phải sáp nhập, giải thể; việc sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh và giải pháp trong thời gian tới; tình trạng sử dụng hợp đồng lao động để làm việc chuyên môn trong các ĐVSNCL; hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh sau sáp nhập; việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại các ĐVSNCL theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh kiến nghị một số vấn đề tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh kiến nghị một số vấn đề tại buổi làm việc.

Cùng với việc làm rõ các nội dung yêu cầu của Đoàn giám sát nêu lên, UBND tỉnh kiến nghị Đoàn Giám sát có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong ĐVSNCL; xem xét, rà soát để phân bổ biên chế viên chức phù hợp với tình hình của từng địa phương, cân nhắc đối với các tỉnh, thành phố là vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biết khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền giảm tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2030 xuống còn 5% so với số giao năm 2021 hoặc xin cơ chế phù hợp đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như tỉnh Đắk Lắk; đồng thời xem xét bổ sung 3.080 biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh Đắk Lắk…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Trần Phú Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Trần Phú Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Trần Phú Hùng ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh thời gian qua. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các ĐVSNCL trực thuộc; chỉ đạo rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý; có kế hoạch, phương án cụ thể đẩy mạnh việc sắp xếp các ĐVSNCL trên các lĩnh vực; thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ĐVSNCL thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, lao động, sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý dôi dư; hướng dẫn, tạo điều kiện để các ĐVNSNCL tháo gỡ khó khăn, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.