Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

08:20, 29/06/2023

Với việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Đắk Lắk ngày càng nhanh chóng, thuận tiện, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Dịch vụ công trực tuyến là nơi thực hiện chức năng “một cửa điện tử”, cho phép tiếp nhận, xử lý, chuyển trả kết quả cũng như tra cứu về tình trạng xử lý hồ sơ TTHC của các cơ quan nhà nước. Theo dõi trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cho thấy, hiện nay toàn tỉnh đã niêm yết 1.633 TTHC ở hầu hết tất cả các lĩnh vực; trong đó, có 1.330 TTHC cấp tỉnh, 208 TTHC cấp huyện và 94 TTHC cấp xã.

Điều đáng nói, qua số liệu thể hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cũng cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 26/6/2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 441.155 hồ sơ và đã giải quyết 439.581 hồ sơ, với tỷ lệ hồ sơ đúng hạn lên đến 98%. Bên cạnh đó, hệ thống cũng ghi nhận hiện có đến 11.400.144 lượt truy cập, bình quân mỗi tháng có đến hơn 324.000 lượt.

Qua những con số thống kê đó cho thấy, dịch vụ công trực tuyến đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc giải quyết TTHC và ngày càng thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng.

Dịch vụ công trực tuyến đang thu hút người dân, doanh nghiệp sử dụng.

Ông Phan Văn Đức, một người dân ở phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Thay vì như trước đây phải lên trực tiếp UBND phường hoặc cơ quan chức năng thì hiện nay khi cần giải quyết TTHC liên quan, tôi đều vào dịch vụ công trực tuyến vì có rất nhiều tiện lợi. Chẳng hạn, khi xử lý công việc liên quan, tôi chỉ cần tra cứu vào bộ TTHC là biết ngay phải chuẩn bị giấy tờ gì, lại khỏi mất công đi lại mà mọi việc đều được giải quyết nhanh chóng”.

Một điều phải khẳng định, hiện nay các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, giải quyết các TTHC liên quan đến đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng như tận tình hướng dẫn, tập trung giải quyết, trả kết quả đúng thời gian quy định cho người dân, tổ chức. Đối với các hồ sơ giải quyết trễ hạn, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đều xin lỗi rõ ràng, nêu rõ nguyên nhân, lý do và mong sự thông cảm của người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Định, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), bên cạnh bộ phận một cửa tại trụ sở các cơ quan, UBND thì dịch vụ công trực tuyến thực sự là bước đột phá lớn trong việc thúc đẩy công tác CCHC, tạo bộ mặt mới cho cơ quan hành chính nhà nước và qua đó tạo niềm tin trong người dân.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 5/6/2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Các cơ quan hành chính nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến phát sinh từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC công theo hình thức trực tuyến được dễ dàng, tiện lợi và tiết kiệm chi phí đi lại, góp phần cải thiện chỉ số phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu là phấn đấu đạt 50% trở lên hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa (không đến bộ phận một cửa các cấp). 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 40% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp (chỉ nộp hồ sơ trực tiếp đối với TTHC chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến).

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.