Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

15:20, 08/06/2023

Sáng 8/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 5 năm 2023, tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả quan tâm chất vấn. 

Phó Thủ tướng cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình KT-XH 4 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, như: tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm; sức mua của nhiều thị trường lớn, truyền thống suy giảm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta.

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khoảng 88.000 doanh nghiệp; thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc; việc thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch còn chậm; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là công nhân lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai... 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin lắng nghe, tiếp thu và tiếp tục bám sát các mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tích cực, chủ động, kịp thời, linh hoạt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trong các lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Về điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhất là các quy định đang là rào cản đối với sản xuất kinh doanh (đến năm 2025 giảm ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ) ; yêu cầu thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra quy định về TTHC.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC và tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ (đến năm 2025 giảm tối thiểu 20%).

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: quochoi.vn
Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: quochoi.vn

Về việc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực phù hợp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tiếp tục thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; trình Quốc hội về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, đất công nghiệp, đất lúa, đất rừng…. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra.

Về tăng năng suất lao động xã hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng năng suất lao động, trong đó tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Khẩn trương hoàn thiện các chính sách, pháp luật; tạo lập khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh doanh mới và các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển khoa học công nghệ.

Về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc  mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở.

Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.

Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên; quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. 

Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Nguyên nhân là bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch… 

Phó Thủ tướng phân tích, thị trường bất động sản gặp khó khăn do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp. 

Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự, tuy nhiên Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư. 

Về câu hỏi của đại biểu về kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế. 

Về việc chậm phân bổ đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22,2%, tương đương mức giải ngân vốn đầu tư năm 2022 cùng kỳ. Qua tương quan so sánh với 5 tháng đầu năm của những năm trước, Phó Thủ tướng cho rằng mức giải ngân này không phải là chậm so với các năm, mà đang chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế để làm động lực cho sự tăng trưởn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Phó Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, các địa phương cần thúc đẩy nhiều hơn nữa. Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tích cực giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Ảnh: quochoi.vn

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc hết sức khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này đã có 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng kí tham gia chất vấn; có 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn; 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề, nâng tổng số lượt đại biểu tham gia chất vấn của 02 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt đại biểu, tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, qua phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và phản ảnh sát với diễn biến thực tế, đời sống và tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của Nhân dân và cử tri cả nước. 

Các Bộ trưởng dù là người đã “dày dạn” kinh nghiệm trả lời chất vấn hay mới tham gia trả lời chất vấn lần đầu đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các vị Phó Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của Nhân dân và cử tri.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành.

Sau Kỳ họp này và phiên họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.