Multimedia Đọc Báo in

"Cú hích" từ một nghị quyết

08:50, 28/07/2023

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 11/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Krông Ana giai đoạn 2020 – 2025 (Nghị quyết 07), đã có nhiều mô hình hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo các buôn làng trên địa bàn huyện.

Nâng cao thu nhập

Nghị quyết 07 ra đời với mục tiêu thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phát triển văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ ở các buôn đồng bào DTTS.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người dân ở các buôn đồng bào DTTS; lấy mục tiêu giảm nghèo bền vững làm trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; quan tâm đến phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự.

Bà H’Ban Niê Kdăm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana (bìa trái) đến thăm mô hình của gia đình chị H’Jem Ênuôl (buôn Dur, xã Dur Kmăl).

Để thực hiện tốt Nghị quyết 07, Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cùng các phòng, ban liên quan đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch của cả giai đoạn và hằng năm. Qua mỗi kế hoạch cụ thể của từng năm, Phòng Dân tộc huyện đều triển khai những mô hình giúp đổi thay kinh tế - xã hội tại các buôn đồng bào DTTS.

Chẳng hạn, mô hình tái canh cà phê theo hướng xen canh cây sầu riêng là một trong những mô hình được thực hiện theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào DTTS của UBND huyện năm 2022, đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Năm 2022, gia đình chị H’Jem Ênuôl (buôn Dur, xã Dur Kmăl) được Phòng Dân tộc huyện Krông Ana hỗ trợ 1.000 cây cà phê và 90 cây sầu riêng giống để tái canh trên diện tích 1 ha đất của gia đình. Đến nay, số cây trồng được tái canh phát triển tốt, ổn định. Không dừng lại ở đó, sau khi trồng mới vườn cây, chị được hướng dẫn trồng thêm ớt để tăng thu nhập trong lúc cây trồng chính chưa cho thu hoạch.

Theo đó, chị H’Jem đã trồng 300 cây ớt xen canh vào giữa những hàng cà phê còn nhỏ. Vườn ớt đang cho thu hoạch và dự tính sẽ thu hoạch đến cuối năm 2023. Việc xen canh cây ớt đã giúp chị H’Jem có thêm thu nhập, tạo hiệu quả trong việc tận dụng đất trống. Không những vậy, có khoảng 6 – 7 nhân công tại địa phương có công việc ổn định nhờ vườn ớt này. Chị H'Jem phấn khởi chia sẻ: "Nếu thời tiết tốt, ít mưa thì mỗi tháng gia đình tôi có thể thu hoạch từ 10 tạ ớt, trừ chi phí chăm sóc thì có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng".

Gia đình chị H’Jem ÊNuôl (buôn Dur, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) có thêm thu nhập nhờ trồng xen canh ớt trong lúc cây cà phê còn nhỏ.

Bà H’Ban Niê Kdăm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: “Đối với mô hình tái canh cây cà phê theo hướng xen canh, chúng tôi căn cứ vào quy định của UBND huyện để cung cấp cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật giúp người tham gia mô hình biết rõ về các quy trình kỹ thuật. Đến thời điểm này, mô hình đã có những kết quả nhất định, nhiều vườn cà phê xanh tốt, những người tham gia mô hình có thêm động lực để hăng say lao động sản xuất. Nhiều người dân cũng bày tỏ mong muốn được tham gia mô hình, tuy nhiên điều kiện chưa cho phép, mỗi buôn chỉ có một mô hình, sau khi đánh giá mới tiếp tục nhân rộng”.

Tạo cơ hội việc làm ổn định

Từ nguồn vốn của các chương trình phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, đến nay, trên địa bàn huyện Krông Ana đã có hơn 500 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Huyện chú trọng giải quyết việc làm cho các lao động sau khi học nghề để tạo sinh kế bền vững. Hiện địa phương tiếp tục duy trì hơn 170 mô hình sau đào tạo hiệu quả như: Nghề trồng nấm, xây dựng, sửa chữa xe máy, chăn nuôi…

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm trong các lĩnh vực đã được đào tạo. Phần lớn những người dân đã qua học nghề đều mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, nhiều người đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào các lĩnh vực của đời sống. Nhiều người dân đã có thu nhập ổn định nhờ những mô hình này.

Năm 2020, sau khi tham gia lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, anh Y Kun Kbuôr (buôn Tuôr B, xã Dray sáp) đã cùng 11 thanh niên xã đứng ra thành lập Tổ hợp tác xây dựng. Nhờ có tay nghề nên tổ hợp tác của anh nhận được nhiều công trình xây dựng cho người dân tại địa phương, thu nhập bình quân mỗi thành viên khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. “Từ khi tham gia Tổ hợp tác xây dựng, thu nhập của tôi dần ổn định hơn. Ngày càng có nhiều người biết đến và giới thiệu nên chúng tôi được nhận nhiều công trình của người dân, công việc thường xuyên, không bấp bênh giống làm nông”, anh Ksơ Nghi (buôn Tuôr B, xã Dray Sáp), thành viên Tổ hợp tác xây dựng chia sẻ.

Hiệu quả từ những mô hình như Tổ hợp tác xây dựng đã giúp người dân yên tâm tham gia các lớp đào tạo nghề để có thể lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, dựa vào nhu cầu học nghề, nhu cầu phát triển các mô hình sản xuất, ngành nghề, Phòng Dân tộc huyện Krông Ana sẽ điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.