Phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ Sáu, HĐND tỉnh khóa X:
Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Sáng 13/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chia tổ thảo luận các nội dung quan trọng.
Tại 3 tổ, đại biểu đã thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm; kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp trong 6 tháng đầu năm và nội dung các dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đồng thời đề xuất một số ý kiến nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 như: cần tiếp tục đẩy mạnh các nhóm giải pháp về tăng thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư; quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát huy các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; tiếp tục thu hút khách du lịch tới tỉnh; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn…
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 1. Ảnh: Vạn Tiếp |
Quan tâm đến việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho rằng, trong thời gian vừa qua, các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh đã tạo sự khởi sắc. Diện mạo nông thôn, đô thị trên địa bàn toàn tỉnh có sự đổi mới. Theo đại biểu, để tiếp tục đầu tư xây dựng các chương trình, dự án có hiệu quả, cần triển khai có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt là chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành liên quan.
Đại biểu Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp |
Bên cạnh đó, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm dẫn đến nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không theo đúng nhu cầu sử dụng kinh phí hằng năm…
Do vậy, đại biểu đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh có ý kiến đề nghị các cấp, bộ, ngành sớm ban hành văn bản hướng dẫn, cũng như quan tâm hơn nữa đến vấn đề phân bổ vốn hợp lý cho các địa phương.
Đóng góp ý kiến về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đại biểu Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh nhận định, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, kích động, lôi kéo các đối tượng nhằm chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại biểu Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp |
Do đó, cần có giải pháp giải quyết căn cơ, lâu dài đối với vấn đề cốt lõi của Tây Nguyên, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai, an sinh xã hội; đồng thời lãnh đạo tập trung nắm bắt tình hình, dư luận xã hội trong nhân dân, nhất là ở cơ sở để đề ra các biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Lê Văn Cường cũng đề nghị, cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc; sớm xây dựng đề án về đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm đến công tác cử tuyển và bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số; rà soát lại các chính sách dân tộc; tập trung quan tâm chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thảo luận về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, đại biểu Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin: Theo chỉ tiêu giao biên chế và tinh giản biên chế ngành giáo dục tỉnh, năm 2023, đối với khối trực thuộc phòng giáo dục các huyện tinh giản 572 biên chế; khối các đơn vị trực thuộc Sở tinh giản 50 biên chế.
Đại biểu Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu thảo luận. Ảnh: Vạn Tiếp |
Với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, việc tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục đã khó thì nay càng khó hơn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Đơn cử như ở cấp học mầm non, việc huy động trẻ đến trường đạt tỷ lệ rất thấp. Toàn tỉnh mới chỉ đạt 15%, trong khi mặt bằng chung cả nước đạt 27% tỷ lệ trẻ ra nhà trẻ; một trong những nguyên nhân là do không có trường lớp học, không có giáo viên; có nơi có cơ sở, nhưng không có giáo viên...
Sở GD-ĐT cũng đã có báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng có báo cáo, kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ về tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, năm 2022, Chính phủ bổ sung cho ngành giáo dục Đắk Lắk chỉ có 272 biên chế.
Theo thống kê, năm học 2023 -2024, toàn ngành giáo dục tỉnh thiếu hơn 1.200 giáo viên, nhân viên. Đấy cũng là bài toán rất khó, vì vậy rất mong các cấp, ngành quan tâm vấn đề này, có ý kiến, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên hằng năm và bổ sung thêm biên chế giáo viên cho tỉnh Đắk Lắk để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng các sản phẩm OCOP đặc sản, đặc trưng của địa phương nhằm tiếp cận hiệu quả với thị trường trong và ngoài nước.
Đối với công tác cải cách hành chính, đại biểu Trần Trung Hiển, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, Chỉ số PCI và Chỉ số Cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh đều giảm so với năm ngoái. Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Vạn Tiếp |
Bên cạnh đó, đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; bố trí số lượng biên chế phù hợp cho từng cơ quan, đơn vị nhằm tránh tình trạng có nơi nhiều biên chế nhưng việc làm ít, nơi ít người làm việc nhưng công việc nhiều dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng công việc được giao…
*Chiều nay (13/7), các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường và xem xét, thông qua các Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc