Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chỉ thị 23–CT/TW của Ban Bí thư: Cách làm hay ở bộ đội biên phòng

08:23, 13/07/2023

Thực hiện Chỉ thị 23–CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” (gọi tắt Chỉ thị 23), các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp học tập.

Từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Thượng tá Trần Quốc Oai, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết, để Chỉ thị 23 đi vào cuộc sống, Phòng Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 23. BĐBP đã cụ thể hóa Chỉ thị bằng việc nghiên cứu, học tập Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới”; gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị trong tình hình mới”.

Các chiến sĩ biên phòng cập nhật thông tin, kiến thức qua việc đọc sách, báo.

Từ năm 2018 đến nay, Phòng Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ban hành 12 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BĐBP, Tỉnh ủy về công tác lý luận chính trị, qua đó góp phần nâng cao việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện toàn diện, đồng bộ trong toàn đơn vị.

Để việc thực hiện Chỉ thị 23 thực sự có dấu ấn, các tổ chức cơ sở đảng chủ động đưa vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, lồng ghép với sinh hoạt đơn vị, sinh hoạt các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân; thông qua huấn luyện chính trị, quân sự, nghiệp vụ, các phong trào thi đua và các cuộc vận động; thực hiện Ngày chính trị văn hóa tinh thần, Ngày Đảng, sinh hoạt “Tổ 3 người”.

Linh hoạt trong cách thức triển khai, các cơ quan, đơn vị đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các hình thức học tập chính trị, như: Lên lớp tập trung, thảo luận theo tổ, nhóm, tự học, nêu gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Đồng thời kết hợp giáo dục chính trị với quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật, phương pháp, tác phong công tác; tăng cường đối thoại giữa người dạy và người học, giữa chỉ huy với đơn vị, giữa cán bộ và chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ bình yên Tổ quốc.

Quá trình nghiên cứu, học tập chính trị, bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống là đọc và ghi chép, các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, như: Tổ chức biên soạn bài giảng điện tử, trình chiếu Power Point để lên lớp cho các đối tượng, qua đó đã tạo trực quan sinh động cho người học dễ nhớ, dễ hiểu. Truyền tải thông tin trong mỗi chuyên đề, giáo viên lên lớp đều có ví dụ liên hệ, chứng minh giữa lý luận và thực tiễn sát với tình hình biên giới, địa bàn, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Kết thúc các chuyên đề, có định hướng cách tìm hiểu vấn đề để từng cá nhân tự nghiên cứu, học tập, nhờ đó chất lượng giáo dục chính trị đối với cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhằm nâng cao việc giáo dục, tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, BĐBP tỉnh còn thường xuyên rà soát, bổ sung, củng cố hoạt động thư viện, phòng đọc trong các cơ quan, đơn vị. Tính đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh có một thư viện, 8/8 đơn vị cơ sở đều có phòng đọc, với gần 22.000 đầu sách các loại. Từ nguồn tri thức phong phú này, cán bộ, chiến sĩ có thêm nhiều tài liệu quý giá để nghiên cứu, tìm hiểu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng, thành tựu của cách mạng.

Theo Thượng tá Trần Quốc Oai, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó mấu chốt quan trọng nhất là đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng. Quá trình thực hiện chỉ thị cũng cần phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

Kết hợp giữa học tập, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến, xuất sắc, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy. Hiện nay, toàn lực lượng đang xây dựng 3 tập thể và 3 cá nhân điển hình tiên tiến toàn diện, 4 tập thể và 5 cá nhân điển hình tiên tiến trên từng mặt công tác. Các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang xây dựng 26 tập thể và 35 cá nhân là điển hình tiên tiến toàn diện; 26 tập thể và 48 cá nhân là điển hình tiên tiến trên từng mặt công tác.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc