Multimedia Đọc Báo in

Tạo sức bật phát triển từ các nghị quyết

08:34, 26/07/2023

Nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, những năm qua, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện Lắk đã đoàn kết, đồng lòng triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết do Đảng bộ huyện ban hành và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Huyện Lắk có diện tích tự nhiên rộng 1.256 km2, nhưng đất lâm nghiệp chiếm đến hơn 80%; 5% diện tích là đất sông suối, ao hồ, giao thông; đất sản xuất chỉ chiếm khoảng 15% nên hoạt động canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều, lối canh tác lạc hậu khiến năng suất lao động không cao, thu nhập của người dân thấp…

Linh hoạt triển khai

Trên cơ sở phân tích cơ hội và thách thức của địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lắk lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hướng đến phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Đảng bộ huyện đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua nửa nhiệm kỳ, các nghị quyết chuyên đề được chính quyền các cấp và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030” (Nghị quyết 02); Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025” (Nghị quyết 05). Nghị quyết ban hành được triển khai đến tận cơ sở từ cấp xã, thị trấn, đến thôn, buôn, tổ dân phố. Mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa bàn để triển khai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Cán bộ, đảng viên Văn phòng Huyện ủy Lắk trao cây giống tặng người dân xã Krông Nô.

Bắt đầu triển khai Nghị quyết 05, những năm đầu xã Bông Krang còn nhiều bỡ ngỡ nên việc trao tặng cây giống mang tính đại trà dẫn đến hiệu quả chưa cao. Từ năm 2022 đến nay, địa phương hỗ trợ cây giống cho bà con tập trung hơn, kèm theo điều kiện phải bảo đảm cây tặng được bảo vệ, sinh trưởng và phát triển tốt. Theo đó, hộ dân nào thực hiện rào lưới xung quanh vườn (nhằm ngăn ngừa trâu, bò và dê phá cây trồng) thì mới hỗ trợ cây giống.

Phó Chủ tịch UBND xã Bông Krang Y Tuyên Du cho biết, triển khai Nghị quyết 05 của Đảng bộ huyện Lắk, địa phương đã phổ biến đến toàn thể các thôn, buôn trên địa bàn xã hưởng ứng. Đồng thời bám cơ sở, phân công cán bộ chuyên môn để hướng dẫn, kiểm tra bà con cách trồng, chăm sóc. Đến nay, cây mít Thái đã bắt đầu thu bói và cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương.

Là một trong những hộ dân hưởng ứng tích cực việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tinh thần Nghị quyết 05, trong hai năm qua, gia đình anh Y Khiên Rơ Ông ở buôn Yang Kring đã phủ kín toàn bộ diện tích vườn bằng cây mít Thái và một số loại cây trồng khác. Anh Y Khiên chia sẻ, trước đây vườn của gia đình anh trồng thuần cây cà phê, nhưng do đặc thù đất pha cát, mùa khô không đủ nước tưới, cây còi cọc, hầu như không có thu nhập. Hơn hai năm nay, được địa phương vận động chuyển đổi cây trồng phù hợp với đất đai, cùng với số cây giống được hỗ trợ, gia đình anh đã mạnh dạn mua thêm cây giống về trồng phủ kín vườn. Cây mít chịu hạn tốt nên không phải lo chuyện tưới nước, hiện vườn mít của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, bắt đầu cho thu bói.

Cán bộ, nhân dân đồng lòng hưởng ứng

Bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhân dân trên địa bàn huyện Lắk cũng đã hưởng ứng mạnh mẽ trong việc triển khai những nghị quyết do Đảng bộ huyện ban hành.

Tại xã Buôn Triết, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng, thay đổi lối canh tác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất.

Thực hiện Nghị quyết 05, có hơn 350.000 cây giống ăn quả được trao tặng cho người dân ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, thị trấn.

Trên diện tích 8 sào vườn có địa hình đất đồi núi, gia đình ông Hoàng Văn Họa (thôn Buôn Tung 1, xã Buôn Triết) trồng hai loại cây chính là tiêu và điều. Sau nhiều năm, cây điều không mang lại hiệu quả kinh tế, lại khiến đất bạc màu, gia đình ông đã mạnh dạn chặt bỏ và thay thế bằng các loại cây ăn quả như na Thái, vải thiều, sầu riêng, nhãn hương chi. Điều đáng mừng, sau hai năm chăm sóc, riêng cây nhãn hương chi đã cho thu hoạch khoảng 1 tấn trái, với giá 25.000 đồng/kg, còn na Thái, sầu riêng và vải thiều sinh trưởng, phát triển tốt.

Cán bộ xã Bông Krang (huyện Lắk) kiểm tra, giám sát tình hình chăm sóc cây ăn quả tại vườn của hộ dân trên địa bàn.

Trong khi đó, triển khai Nghị quyết 02, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện Lắk cũng tích cực tham gia, trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng Nghị quyết 02, Trường Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang) đã phủ xanh khuôn viên trường học bằng cây xanh và cây hoa các loại. Cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú vui mừng cho biết, thực hiện Nghị quyết 02, Ban Giám hiệu nhà trường đã tuyên truyền trong toàn trường về ý nghĩa thiết thực của nghị quyết này. Tất cả vì một môi trường "xanh – sạch – đẹp", toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh đều rất tích cực trong việc trồng, chăm sóc cây. Không những thế, vào các giờ tan tầm, nhiều phụ huynh tranh thủ lúc chờ đón con cũng cùng tham gia với nhà trường nhổ cỏ, tưới nước cho cây và hoa trong khuôn viên, tạo nên không khí sôi nổi, góp phần hình thành cảnh quan đẹp cho nhà trường.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lắk Võ Ngọc Tuyên đánh giá, nửa nhiệm kỳ triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã đồng hành, hưởng ứng, tạo một không khí thi đua sôi nổi trong việc triển khai. Tất cả các chi bộ, đảng bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát huy sức mạnh nội lực và huy động ngoại lực trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhất là cụ thể hóa các nghị quyết chuyên đề. Qua đó, mối quan hệ giữa đơn vị kết nghĩa với chính quyền địa phương, giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với người dân, giữa dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số được gắn kết bền chặt hơn. Nhờ vậy, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và đã đưa huyện Lắk ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.