Multimedia Đọc Báo in

“Đầu tàu” ở buôn Ngô A

08:34, 26/07/2023

Chỉ sau hai năm rời quân ngũ, tháng 11/2008, anh Y San Bkrông (SN 1983 ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) được kết nạp vào Đảng khi đang ở Đội công tác phát động quần chúng chuyên trách ở cơ sở (gọi tắt là Đội công tác 253).

Từ năm 2017 đến nay anh là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng buôn, thành viên Đội công tác 253 và còn là Tổ trưởng Tổ hòa giải buôn Ngô A. Cùng một lúc phụ trách nhiều công việc nhưng anh luôn nhiệt tình, sâu sát, gần gũi, quan tâm đời sống người dân; gương mẫu, trách nhiệm và triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chi bộ một cách khoa học, hiệu quả.

Anh Y San Bkrông (thứ hai từ trái sang) phân công nhiệm vụ cho Tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự của buôn.

Với vai trò là người đứng đầu của Chi bộ buôn, anh Y San luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên nhắc nhở đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự soi, tự sửa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Anh thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Là một buôn ở vùng đệm Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, anh đã phối hợp với Ban Quản lý phát triển rừng của huyện giao cho 50 hộ nhận chăm sóc bảo vệ 1.350 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 1196. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, trong những năm qua không xảy ra vụ cháy rừng nào; riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, người dân đã tự bỏ tiền mua giống keo lai, trồng mới được 50 ha rừng trên những đồi núi bạc màu. Một trong những phương pháp mà anh Y San tâm đắc là “vận động cá biệt”, mỗi khi cần phổ biến một công việc mới anh thường đến tận nhà hoặc tranh thủ giờ giải lao khi đi làm nương rẫy để tuyên truyền, động viên. Anh cũng là người trực tiếp chỉ huy Tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự của buôn.

Với kinh nghiệm 15 năm làm công tác vận động quần chúng nên mọi mâu thuẫn trong buôn làng được anh kịp thời hòa giải, thấu tình đạt lý. Điển hình như vụ tranh chấp đất đai giữa hai anh em họ là bà H.M.B. và ông B.V.B. Đây là vụ việc khá phức tạp do hai bên không chịu ngồi lại nói chuyện với nhau, nên đẩy sự việc ngày càng đi xa, tình cảm anh em rạn nứt. Hoặc vụ tranh chấp ranh giới đất đai giữa ông H.V.M. và ông N.V.S. khiến hàng xóm láng giềng mất đoàn kết. Hay vụ người ở buôn khác đốt rẫy làm cháy lan sang rẫy cà phê của người trong buôn gây thiệt hại kinh tế, hai bên lời qua tiếng lại suýt đánh nhau… Nắm được nội tình của sự việc, anh Y San mời các gia đình gặp gỡ nhau trực tiếp tại hiện trường, giải quyết vụ việc một cách êm thấm; người có lỗi đã nhận sai và bồi thường cho người bị thiệt hại; người lấn chiếm đất đai trả lại hiện trạng ban đầu, tình cảm anh em, xóm giềng lại gắn kết…

Bên cạnh đó, anh Y San còn hòa giải thành nhiều vụ việc bạo lực gia đình. Đơn cử như trường hợp của ông Y.S.N. thường xuyên rượu chè, ghen tuông, đánh đập vợ vô cớ, thậm chí có lần gây thương tích cho vợ. Sau khi biết thông tin, anh chọn thời điểm thích hợp đến tận nhà mời hai vợ chồng giải quyết, đến nay gia đình hòa thuận, không còn mâu thuẫn nữa.

Anh Y San chia sẻ, công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng, nếu không giải quyết kịp thời sẽ xảy ra mâu thuẫn lớn, nên để hòa giải thành công phải thực sự suy xét sự việc một cách khách quan, công bằng, hợp tình, hợp lý. Ngoài nắm vững những quy định của pháp luật người hòa giải phải biết vận dụng luật tục của buôn làng thì khi giải quyết mới khiến cho người có lỗi “tâm phục, khẩu phục”.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được, liên tục 5 năm qua, anh Y San Bkrông đều được Đảng ủy xã Hòa Phong tặng Giấy khen.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.