Nhân “hạt giống đỏ” ở xứ đạo (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Viết tiếp niềm tin
Vấn đề tạo nguồn và những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên vùng tôn giáo luôn khiến các cấp ủy đảng trăn trở và không ngừng nỗ lực để tìm ra giải pháp khắc phục. Mỗi cấp ủy có một cách làm khác nhau với một niềm tin là giải được bài toán về nguồn kết nạp và khắc phục những hạn chế tại cơ sở.
Từ sự gần gũi…
Để góp phần “gỡ khó” trong công tác phát triển đảng viên, Đảng ủy xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã kết nối, thiết lập mối quan hệ gần gũi, thân tình với các linh mục, chức sắc, chức việc… từ đó cùng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân loại bỏ hủ tục, động viên con cháu học tập, nâng cao trình độ văn hóa, từng bước xây dựng đời sống văn minh - hiện đại.
Đối với vướng mắc trong quá trình xác minh lý lịch của quần chúng ưu tú, Đảng ủy xã đã thực hiện giải pháp “đi trước một bước” - có nghĩa là thực hiện xác minh lý lịch trước khi cử đi học các lớp đối tượng Đảng. Từ đó hạn chế được tâm lý “hụt hẫng” của những đối tượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhưng không được kết nạp Đảng do vướng mắc về hồ sơ, lý lịch.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Bông Trần Quốc Nhật, giữ mối quan hệ gần gũi với người đứng đầu các cơ sở tôn giáo là một cách làm mang lại “hiệu quả kép” đối với huyện Krông Bông, bởi nó không chỉ hỗ trợ thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ về công tác tín ngưỡng tôn giáo, công tác vận động, tuyên truyền mà còn giúp cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể phát hiện và bồi dưỡng quần chúng ưu tú trong các tôn giáo để kết nạp Đảng. Từ đó, xóa được những thôn, buôn, trường học chưa có đảng viên, đặc biệt là những thôn, buôn có phần đông là đồng bào theo các tôn giáo.
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy và Văn phòng Huyện ủy Krông Búk nắm bắt tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Niệm phật đường Thiện Hoa (buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn
|
Còn ở thị xã Buôn Hồ, để giải quyết những vấn đề đặt ra trong phát triển đảng viên vùng tôn giáo, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Buôn Hồ H’Blă Mlô chia sẻ, địa phương đã tổ chức đoàn công tác đến học tập kinh nghiệm tại vùng có đông đồng bào có đạo của tỉnh Đồng Nai. Từ đó, học tập những cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế để vận dụng trên địa bàn. Thị ủy cũng chỉ đạo các cấp ủy tăng cường những giải pháp nhằm bồi đắp lý tưởng cho đối tượng quần chúng theo các tôn giáo. Trong đó quan trọng nhất là vai trò nêu gương của những đảng viên là người có đạo. Họ phải thực sự bản lĩnh, thực sự cống hiến, gần gũi, hòa đồng với quần chúng, sống "tốt đời đẹp đạo", rồi quần chúng có đạo “soi” vào đó để phấn đấu.
… đến xây dựng niềm tin
Để tạo sự chuyển biến về nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là vùng có đạo về quan điểm đúng đắn của Đảng trong thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục đổi mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên nói chung và đảng viên là người có đạo nói riêng được huyện Cư Kuin lựa chọn. Địa phương này cũng đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và tiếp tục bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên là người có đạo trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, đặc biệt là vùng có đông tín đồ theo các tôn giáo. Bên cạnh đó, huyện Cư Kuin còn tập trung xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt ở vùng đồng bào có đạo song song với thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con giáo dân, tín đồ. Từ đó, nhận diện rõ những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Để củng cố niềm tin với đảng viên có đạo, huyện Cư Kuin còn phân công đảng viên có kinh nghiệm, có trình độ và hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo tham gia sinh hoạt tại chi bộ, đảng bộ ở vùng có đông đồng bào có đạo.
Còn ở Krông Búk, Huyện ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, vận động người đứng đầu các cơ sở tôn giáo để huy động sự đồng lòng, đồng sức của họ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Trong đó công tác tạo nguồn, giới thiệu quần chúng có đạo để kết nạp Đảng được các cấp ủy đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, để “gỡ khó” cho công tác phát triển đảng viên là người có đạo, theo Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông, Trung ương cần có quy chế về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí kết nạp Đảng phù hợp hơn đối với quần chúng theo các tôn giáo. Mặt khác, các tổ chức hội, đoàn thể cần kiên trì, bền bỉ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động để người có đạo tin tưởng, đồng tình, hưởng ứng tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ đó mới có thể phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng có đạo ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng.
Lễ kết nạp đảng viên mới là người có đạo và dân tộc thiểu số tại Chi bộ Trường Mầm non Tuổi Thơ (Đảng bộ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin). |
Để làm tốt công tác kết nạp đảng viên vùng tôn giáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung quán triệt Quy định số 06-QĐi/TW của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu của việc kết nạp đảng viên là người có đạo, đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể để tạo nguồn kết nạp đảng viên trong đồng bào có đạo và quản lý đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Ở những địa phương có đông đồng bào có đạo, cấp ủy cấp huyện cần có nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Trong quá trình thực hiện công tác phát triển đảng viên, các cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời uốn nắn những thiếu sót, giúp đỡ các chi bộ thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
Khả Như – Nguyễn Hồng
Ý kiến bạn đọc