Những dấu chân nơi cửa khẩu… (kỳ 5)
Kỳ cuối: Bình yên biên giới gọi tên anh!
Trên tuyến biên giới Tây Nguyên dài hơn 594 km, dấu chân người lính biên phòng nơi tuyến đầu in khắc muôn nẻo dặm đường. Trong ngàn ngàn vạn vạn dấu chân ấy, có một mặt trận các anh đối diện với vô vàn khó khăn, hiểm nguy, thậm chí mong manh giữa lằn ranh sinh tử, đó là cuộc chiến phòng, chống tội phạm.
Núi rừng mênh mông; địa hình hiểm trở; thời tiết khắc nghiệt; sự tinh vi, manh động của các đối tượng tội phạm, ngần ấy yếu tố là những thử thách, gian nan trong thực hiện nhiệm vụ giữ bình yên biên giới. Hành trang vũ khí của các anh để những bước chân vững tiến trong cuộc chiến này không chỉ là đấu sức, mà còn là đấu trí.
“Bức tường thành” Đắk Ruê
Là địa bàn chiến lược đặc biệt trọng yếu về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng luôn nằm trong tầm ngắm nhòm ngó phá hoại của các đối tượng thù địch, phần tử phản động.
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chúng tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào biểu tình, bạo loạn, vượt biên sang Campuchia để đến nước thứ ba, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Âm mưu đó từng được thực hiện và thất bại ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004, 2008 với việc thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Sự thất bại ấy là thành quả bền bỉ với quyết sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị của Đảng. Đóng quân ở những địa bàn trọng yếu của trọng yếu, những người lính nơi cửa khẩu biên giới ý thức và tự hào về sự góp sức để ngăn chặn đường đi của tội phạm.
Bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê tuần tra bảo vệ biên cương. |
Mới đây nhất, Đắk Lắk ngày 11/6/2023, một nhóm đối tượng tấn công vào hai trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin). Chính quyền, các lực lượng an ninh cùng sự đồng lòng, hỗ trợ của nhân dân đã nỗ lực truy bắt những kẻ đã lầm đường lạc lối có hành động khủng bố, chống phá.
Nơi tuyến đầu biên cương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê một mặt phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường bám nắm địa bàn, sâu sát công tác dân vận; một mặt tập trung khép chặt đường biên, quyết không để chúng vượt biên trái phép.
Trên tuyến biên giới dài 7,9 km do Đồn quản lý, đơn vị đã thường trực bố trí 4 tổ, đội tuần tra, mật phục, chưa kể một tổ đội được triển khai ngay tại địa bàn để kịp thời bám nắm, xử lý khi có tình huống. Người lính nơi biên ải căng mình trực chốt tại các đường mòn, lối mở 24/24 giờ, cắt cử lực lượng thường xuyên có mặt ở những điểm khả nghi. Ăn lán, ngủ rừng suốt những tháng ngày mưa gió dầm dề, sự quyết tâm, bố trí, tổ chức lực lượng chặt chẽ của đơn vị đã trở thành bức tường thành ngăn chặn đường đi của các đối tượng phạm tội. Các đối tượng khủng bố bị bắt ngay trong nội địa, trả lại bình yên vốn có cho các buôn làng.
Quân số mỏng, địa bàn xa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê luôn tập trung cao độ trước nhiệm vụ nặng nề được đảm trách. Triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, những năm gần đây, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đã phát hiện, phối hợp bắt giữ hàng chục đối tượng phá hoại rừng, bắt quả tang các đối tượng có hành vi tàng trữ ma túy, vũ khí quân dụng trái phép…
Cao điểm cuộc chiến “vài cây thuốc đổi lấy… cây vàng”
Khu vực cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) những năm đầu thập niên 90 còn khá hoang vắng, đất rộng, người thưa, cây rừng rậm rạp. Trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng, ngày ấy, đây từng là địa bàn nóng bỏng với cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá.
Ma lực và lợi nhuận của hàng lậu kéo theo đó là không ít vụ các đầu nậu buôn lậu “cộm cán” cướp hàng, chém, giết nhau hòng giành lấy thuốc lá lậu. Lợi nhuận thu về từ mặt hàng này khi đó quá nhiều, có khi một chuyến hàng đi trót lọt được tính bằng cả cây vàng. “Các đối tượng đi bằng xe đạp thồ, xe máy, mỗi xe chở từ 2 - 3 thùng hàng, có cả người già lẫn trẻ em. Các nài thuốc này thậm chí còn dùng “vài cây thuốc để đổi lấy cây vàng”. Họ có những mánh lới, chiêu trò riêng nhưng điểm chung là bất chấp, “lì đòn” vượt qua những đoạn đường hoang vu, gió vít và sự ra quân gắt gao của lực lượng chức năng để kiếm tiền” - Đại tá Ngôn Thanh Bình (còn gọi Sáu Bình), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai nhớ lại.
Bộ đội biên phòng được tăng cường, huy động bám sát, nắm chặt địa bàn, bám dân ở những xã trọng yếu để tuyên truyền bà con không sử dụng, không mua bán, không tiếp tay cho nạn buôn lậu thuốc lá. Đại tá Ngôn Thanh Bình khi ấy là Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai quả quyết, bằng mọi giá trong vòng một tháng phải có giải pháp ngăn chặn cho được vấn nạn này!
Đại tá Ngôn Thanh Bình, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và những hồi ức về cao điểm cuộc chiến chống thuốc lá lậu khu vực cửa khẩu Lệ Thanh. |
Cao điểm cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá, ròng rã 30 ngày đêm, bộ đội biên phòng Gia Lai tăng cường lực lượng cùng đồn biên phòng ở cửa khẩu lập các chốt chặn, cử các tổ ứng trực kiểm tra dọc tuyến biên giới. Mặt khác, thực hiện có chiều sâu công tác điều tra, xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình địa bàn, hoạt động của gian thương, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, hoạt động chuyên nghiệp, các điểm tập kết, địa điểm cất giấu hàng... để chặn đứng các kế hoạch gom, tuồn hàng. Trên những dặm dài biên giới có lúc mưa tạt, gió lùa, lúc nắng bỏng, nhưng “rát” lòng người nhất vẫn là những cơn sốt rét rừng hành hạ, cũng có khi là hiểm nguy rình rập của các đối tượng manh động vượt chốt.
Ứng phó cơ bản việc “nội”, giải pháp tìm cách “đối ngoại” với lực lượng chức năng trên biên giới của nước bạn được đặt ra. "Muốn dẹp được hàng lậu thì phải chặn từ gốc nơi cửa ngõ “tuồn” hàng, công tác vây bắt vì thế cần có sự phối hợp của các nước có chung đường biên. Thế là tôi tìm cách gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc để lực lượng phía ta, phía bạn cùng phối hợp quyết tâm tuần tra, chặn bắt, kiên quyết xử lý các hành vi vận chuyển hàng lậu, không để thuốc lá lậu “lọt” qua biên giới" - Đại tá Ngôn Thanh Bình nói.
Kết hợp nhiều biện pháp, nhiều mũi tiến công ngăn chặn, đến cuối những thập niên 90, sức nóng nạn buôn lậu thuốc lá dần hạ nhiệt, góp phần bảo đảm an ninh vùng biên giới. Cuộc chiến chống buôn lậu luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đây là giai đoạn nhức nhối, căng mình không thể nào quên của những chiến sĩ biên phòng khu vực cửa khẩu Lệ Thanh.
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh hôm nay sôi động với các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. |
“Khắc tinh” trên "điểm nóng" buôn bán ma túy
Những năm gần đây, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là "điểm nóng" về tội phạm buôn bán “cái chết trắng”. Lợi dụng Pờ Y có cửa khẩu quốc tế, nằm ngay ngã ba biên giới với các nước Lào - Campuchia, cùng mối thân tộc giữa người dân các bên biên giới, nhiều đối tượng đã bất chấp “được ăn cả, ngã về không” để thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm lắm mưu nhiều kế này, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cùng Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) kiên trì lần tìm từng đường dây, từng bước đấu tranh, bóc gỡ và triệt phá nhiều chuyên án lớn.
Đầu năm 2020, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm nắm thông tin, đối tượng Hà Văn Ân ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Qua xác minh, đối tượng Ân mang vỏ bọc bên ngoài là nông dân ít học, kiệm lời và “thật thà”, nhưng cách thức vận chuyển hàng cấm của đối tượng này lại vô cùng xảo quyệt. Băng bộ theo các lối mòn đường rừng, Ân đánh dấu kỹ càng từng đoạn đường qua, đồng thời mang theo chó để đánh hơi khi cần thiết. Đối phó với Ân, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm phải nằm rừng gần nửa năm trời, có những thời điểm ăn lương khô, cơm nắm, nửa tháng không tắm giặt để truy vết bằng được đối tượng này. “Vỏ quýt dày” đã có “móng tay nhọn”, đối tượng bị tóm gọn khi đang vận chuyển 5 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 1 kg ketamine. Lần theo nguồn tin này, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, phát hiện thêm nhiều đối tượng khác cũng có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thực hiện chuyên án nội địa đã vất vả, nhưng các chuyên án ngoại biên càng cam go hơn nhiều lần, bởi rất cần sự phối hợp, nhưng phải bảo đảm bí mật với lực lượng chức năng nước bạn. Bởi vậy, có những chuyên án, lực lượng biên phòng Kon Tum phải phối hợp truy dấu, theo dõi các đối tượng trong nhiều năm liền, như chuyên án KT911LV. Đánh án cách biên giới Kon Tum gần 150 km, người lính quân hàm xanh “nhập vai” công nhân cạo mủ cao su. Các anh mắc võng trú ngụ giữa rừng để theo sát từng đường đi, nước bước của các đối tượng. Khi thời cơ chín muồi, các mũi tiến công của Phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Công an tỉnh Attapư (Lào) đã bắt gọn hai đối tượng chủ mưu là Thao Lạt và Thao Hố (quốc tịch Lào), mở rộng điều tra bắt thêm 5 đối tượng liên quan, đồng thời thu giữ 40 bánh heroin...
Các đối tượng và tang vật bị bắt giữ trong một chuyên án ma túy ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum. Ảnh do Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cung cấp |
Luôn là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc truy bắt tội phạm ma túy vùng biên, đồng chí T. trực tiếp tham gia hầu hết mọi chuyên án, từ nội biên, ngoại biên, ngoại tỉnh, đến xuyên quốc gia. Anh chia sẻ: “Cõng một chuyến hàng ma túy thành công có thể bằng cả năm lam lũ nương rẫy, nên nhiều đối tượng sẵn sàng bất chấp hậu quả và thủ sẵn “hàng nóng” (súng đạn) để chống trả lực lượng chức năng. Phá án ở những nơi thâm sâu cùng cốc, đã có khi tưởng như rơi vào thế bế tắc, nhưng chính sự đồng sức, đồng lòng của toàn lực lượng đã hóa giải mọi chông gai. Nghiệp phá án như ăn sâu vào máu, bởi vậy, chúng tôi luôn tìm mọi cách để phá cho bằng được!”. Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum thì khẳng định: “Đánh án ma túy vừa cam go, nhưng cũng nhiều cám dỗ. Vì vậy, lực lượng phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum luôn trui rèn nghiệp vụ, bản lĩnh đánh án, điều tra để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao”.
Khép lại hành trình đến thăm các đồn biên phòng cửa khẩu ở Tây Nguyên, chúng tôi nhớ mãi tâm sự của Đại úy Cao Hạnh Phúc, Đội trưởng Đội Vũ trang của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk): “Bộ đội biên phòng nằm rừng, bám đường biên thời gian nhiều hơn ở nhà. Chỉ cần biên giới gọi tên, người lính chúng tôi không nề hà hiểm nguy”. Ngần ấy đã đủ cho thấy sức mạnh để những người lính quân hàm xanh xông pha, can trường, bền bỉ những bước chân trên mọi mặt trận nơi tuyến đầu.
Các anh đã khắc vương miện trong lòng nhân dân!
Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc