Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh: Nâng tầm trí tuệ (kỳ 3)

08:25, 17/08/2023

Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ trí thức lớn về lượng – mạnh về chất

Trong công cuộc đổi mới và phát triển địa phương, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức lớn mạnh là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù

Để xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều giải pháp qua những chương trình, kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, những chương trình, kế hoạch thời gian qua vẫn chưa thực sự trở thành “lực hút” cho Đắk Lắk trong việc thu hút nhân tài.

Nghị quyết 14-NQ/TU, ngày 27/7/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 14) chỉ rõ: Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, chủ yếu do nguồn lực đầu tư về tài chính không đảm bảo. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào tỉnh còn hạn chế là do chưa kịp thời ban hành chính sách ưu đãi mang tính đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể đối với nhân lực chất lượng cao của từng ngành, lĩnh vực, dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo, đánh giá kết quả triển khai thực hiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tôn vinh trí thức tiêu biểu năm 2023.

Do đó, Nghị quyết 14 đã xác định địa phương sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quản lý, bố trí, sử dụng đến thực hiện chính sách cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bình đẳng, có cạnh tranh; trong đó, quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) bảo đảm năng lực, trình độ, cơ cấu, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để thực hiện được điều đó, địa phương sẽ xây dựng và triển khai những cơ chế, chính sách và công cụ thích hợp để trọng dụng, thu hút nhân tài, bố trí vào các công việc phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, chú trọng các giải pháp thu hút, khuyến khích nhân tài ở các tỉnh thành khác về làm việc tại Đắk Lắk…

 

Nghị quyết số 14-NQ/TU đặt ra các mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu có trên 88% viên chức đạt chuẩn nghề nghiệp, tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề đạt 50%; phấn đấu đến năm 2030 tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%, năng suất lao động của tỉnh (theo giá hiện hành) cao hơn bình quân chung cả nước...

Việc trao cơ chế đặc thù được xem là “cây gậy thần”, là cơ sở để các địa phương triển khai các giải pháp thu hút nhân tài tham gia vào các lĩnh vực. Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột đã cho phép HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Buôn Ma Thuột là địa phương cấp quận, huyện đầu tiên của cả nước được áp dụng cơ chế đặc thù.

Tiếng nói người trong cuộc

Thực tế cho thấy, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có đặc thù về điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống các dân tộc khác nhau nên việc áp dụng các chính sách, cơ chế về thu hút đội ngũ trí thức trong thực tiễn sẽ gặp những “điểm nghẽn”. Do đó, cần có chính sách riêng, áp dụng cụ thể cả về tài chính, phương thức, phương pháp thực hiện. Đó có thể là việc tạo điều kiện về nhà ở đối với trí thức, nhà khoa học đến từ tỉnh thành khác. Mặc khác, điều kiện môi trường làm việc, thu nhập cơ bản là điều tất yếu, cần thiết để các trí thức yên tâm công tác, cống hiến trí lực. Với đội ngũ trí thức làm việc, cống hiến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, các xã đặc biệt khó khăn càng cần có những chính sách động viên, tôn vinh để thu hút cũng như giữ chân họ. Đặc biệt, tạo cơ hội thăng tiến, đề bạt các vị trí lãnh đạo và quản lý phù hợp với năng lực người có tài, cán bộ trẻ.

Trao đổi về giải pháp khích lệ động lực cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh nhà trong thời gian đến, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, Viện Kinh tế và Quản lý Tây Nguyên, Giáo sư Đại học giáo dục quốc tế Paris (Cộng hòa Pháp) cho rằng: Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, Đảng và Nhà nước phải trọng dụng họ. Sự trọng dụng và tôn vinh trí thức không phải là đề cao, ca ngợi một chiều mà quan trọng phải được khẳng định trong nhận thức và cách đối xử của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan chính quyền, đoàn thể và trong quan điểm, thái độ ứng xử của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; được thể chế hóa bằng các chính sách đãi ngộ công khai, cụ thể và ở sự thường xuyên động viên, khích lệ họ hăng hái, tích cực lao động, sáng tạo.

Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Dam San (thị xã Buôn Hồ) tham dự Lễ khai giảng đầu tiên sau khi Trường được thành lập năm 2022.

Theo Thạc sĩ Dương Văn Quý (Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk), phát triển đội ngũ trí thức phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có cả chủ quan lẫn khách quan, từ môi trường, điều kiện công tác, chính sách thu hút, sử dụng, tôn vinh trí thức đến ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức… Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm việc thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh và chăm lo đào tạo đối tượng này. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, đội ngũ trí thức vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Do đó, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện chính sách cần áp dụng chế độ đãi ngộ vượt trội đối với các nhà khoa học đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu các lĩnh vực của địa phương cần. Đẩy mạnh và mở rộng thi tuyển, ứng tuyển cạnh tranh vào những vị trí lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị ở các ngành, lĩnh vực ở các cấp cũng như khối doanh nghiệp nhà nước.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh nhận định, đội ngũ trí thức, nhà khoa học làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân là một bộ phận không thể tách rời với đội ngũ trí thức nói chung bởi đây là nguồn lực quan trọng và là thành phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Nên chăng, cần nghiên cứu ban hành chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ có tham gia đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất ở địa phương. Chính sách này sẽ khơi thông, tạo động lực cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư tài chính cho đội ngũ trí thức nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, đời sống nhân dân và kinh tế ở Đắk Lắk.

Với trí thức DTTS, không ít người đã được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng, phân công giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng để tăng tỷ lệ trí thức DTTS cũng như động viên, có chế đãi ngộ thích hợp. Bên cạnh đó, việc thu hút sự tham gia, đóng góp của những “trí thức nhân dân” như già làng, người có uy tín trong buôn làng cũng cần được quan tâm bởi họ là người có kiến thức truyền thống bản địa sâu rộng, có uy tín và có khả năng, kinh nghiệm vận động, truyền tải kiến thức vào cộng đồng.

Thúy Hồng - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.