Multimedia Đọc Báo in

Vị tướng chiến đấu vì hòa bình

09:01, 02/09/2023

Năm 1990, khi trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow – phóng viên báo New York Times, tác giả của cuốn sách “Vietnam – a history”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bày tỏ: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể triết hoặc lịch sử”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Thần tượng quân sự của tôi là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ”. Là một thầy giáo dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa những kế sách đánh giặc, giữ nước của tổ tiên ta. Bởi lịch sử của dân tộc ta là lịch sử được viết bởi hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, chính hiểu biết và tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong việc chỉ huy quân đội ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp công bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944.

Quân đội ta được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) ban đầu gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy với tên gọi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 15/4/1945, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Chiều 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen rằng: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”.

Ngày 20/1/1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến quân đội ta từ yếu thành mạnh. Từ quân số 8 vạn những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đến cuối năm 1949, bộ đội thường trực đã lên tới 23 vạn. Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chung vui cùng các chiến sĩ trong lễ mừng chiến thắng Điện Biên năm 1954 tổ chức tại chỉ huy sở Mường Phăng. Ảnh tư liệu

Trong buổi họp Hội đồng Chính phủ năm 1948, tin tưởng tài cầm quân và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra câu đối dự báo: “Giáp phải giải Pháp”, khẳng định niềm tin tấm lòng yêu mến của Người khi giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài danh. Tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Sau khi nghiên cứu kỹ chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định đúng đắn: chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội ta; lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.

Tướng Pháp De Castries, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cay đắng nhận xét: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào... Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội”.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chú trọng việc xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, góp phần quyết định thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đánh giá về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: “Tài thao lược của Tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.

Nguyễn Văn Toàn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.