Multimedia Đọc Báo in

Những “hạt nhân xung kích” góp sức xây dựng quê hương

07:13, 12/12/2023

Huyện Lắk hôm nay đã có nhiều khởi sắc, những con đường thảm bê tông đến tận ngõ, nhiều ngôi nhà mái Thái khang trang mọc lên. Góp sức làm nên sự đổi thay này không thể không kể đến công lao của những “đầu tàu gương mẫu” ở địa phương.

Từ đảng viên tiên phong…

Trong sự đổi thay của xã Buôn Tría có sự góp sức của đảng viên Nguyễn Tôn Đẫm (thôn Liên Kết II, xã Buôn Tría).

Là một cựu chiến binh, năm 1977 ông Đẫm rời quê hương Thái Bình vào xã Buôn Tría làm kinh tế mới. Thuở ấy, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội sản xuất nông nghiệp Hợp tác xã Đoàn Kết, chỉ huy người dân khai phá vùng đầm lầy đầy lau lách, mở rộng cánh đồng 8/4 để trồng lúa. Những ngày “ăn dầm ở dề” bám ruộng hoang để ngày đêm khai phá, dẫu khó khăn, gian khổ nhưng ông vẫn động viên bà con khai hoang để có được cánh đồng lúa như ngày hôm nay.

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, ông Đẫm đã nhiều lần hiến đất mở rộng đường, làm gương cho bà con noi theo. Năm 2013, ông Đẫm đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất thổ cư để thực hiện chủ trương bê tông hóa con đường giao thông nông thôn bắt đầu từ Tỉnh lộ 687 vào thôn Liên Kết II, với chiều dài hơn 1 km. Hành động cao đẹp của ông Đẫm đã lan tỏa đến người dân, nhiều cán bộ, đảng viên cũng tự nguyện hiến đất, với tổng diện tích gần 5.000 m2.

Đảng viên Nguyễn Tôn Đẫm (thôn Liên Kết II, xã Buôn Tría) chỉ dạy cho con cháu điều hay lẽ phải trong cuộc sống.

Năm 2018, thấy cảnh đến mùa thu hoạch người dân vất vả vác từng bao lúa lên đường lớn cách ruộng khoảng 1 km, ông Đẫm đã đề xuất địa phương làm một con đường nối từ thôn Liên Kết II, kéo dài thông ra cánh đồng 8/4 để giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Phát huy vai trò “đầu tàu gương mẫu”, ông Đẫm tự nguyện hiến thêm 200 m2 đất sản xuất để địa phương có mặt bằng san ủi làm đường. Đồng thời, ông đến từng gia đình vận động, tuyên truyền nhân dân cùng hiến đất ruộng làm con đường mới. Từ đó đã có hơn 20 hộ dân tiếp tục tự nguyện hiến 12.300 m2 đất sản xuất để địa phương làm đường bê tông nối từ khu dân cư thôn Liên Kết II ra cánh đồng. Bởi vậy, ông Đẫm được coi là “hạt nhân” góp sức giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành tiêu chí giao thông, thuận lợi “về đích” nông thôn mới vào năm 2021.

Đến nay, sau hai năm xã Buôn Tría đạt chuẩn nông thôn mới, ông Đẫm vẫn tích cực tham gia tuyên truyền bà con tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu mà Nhà nước đề ra để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông chia sẻ: “Nông thôn mới không có "điểm dừng" nên với vai trò là đảng viên, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giữ vững danh hiệu và đạt cao hơn nữa”.

…đến cán bộ người cao tuổi gương mẫu

Trong những năm qua, nhiều người cao tuổi tại xã Đắk Nuê vẫn gương mẫu đi đầu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào các phong trào do địa phương phát động. Ông Phạm Văn Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi buôn Dhăm II (xã Đắk Nuê) là một trong số ấy.

Năm 1984, ông Lộc rời quê hương Hải Dương vào địa phương lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới, một mình bươn chải nơi đất khách quê người, phải chịu cảnh thiếu đói nên ông quyết tâm phấn đấu làm giàu. Ông chăm chỉ khai hoang, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Nhờ cần cù, ham học hỏi lại nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh nên các mô hình kinh tế của ông mang lại hiệu quả cao. Đến nay, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn kiên trì phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, với 1,2 ha đất trồng cà phê, 1 ha lúa, 50 cây sầu riêng, 300 trụ tiêu, hàng trăm cây ăn quả và chăn nuôi gia cầm… Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm ông thu lãi trên 200 triệu đồng, giữ vững thành tích nằm trong top những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.

Người dân đến học hỏi kinh nghiệm làm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Phạm Văn Lộc (buôn Dhăm II, xã Đắk Nuê). 

Nhiều năm qua, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lộc trở thành nơi để người dân trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhiều hộ đã áp dụng thành công, cải thiện kinh tế gia đình. Ông luôn sẵn sàng, tận tình chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho mọi người, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số để họ thay đổi tư duy sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, ông nhận được sự tín nhiệm, kính trọng của bà con trong buôn. Điển hình như khi có chủ trương làm đường liên xã Đắk Nuê đi Đắk Phơi, ông Lộc gương mẫu hiến 1.000m2 đất và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con cùng hiến đất giúp con đường nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Lộc tâm sự: “Với tôi, còn sống là còn làm việc và cống hiến, khi mình còn duy trì được kinh tế ổn định thì mới có điều kiện giúp đỡ cho bà con, gương mẫu thực hiện tốt các khoản đóng góp xây dựng địa phương. Từ đó, mới có tiếng nói tuyên truyền, giúp đỡ bà con vươn lên trong cuộc sống, cùng xây dựng quê hương đổi mới”.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.