Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy chuyển đổi số từ cơ sở

07:12, 14/12/2023

Ở huyện Krông Ana, các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy vai trò tích cực, trở thành "cánh tay" đắc lực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.

Bà H’Lui Niê ở buôn Ea Na (xã Ea Na) năm nay đã ngoài 65 tuổi, bị bệnh, đi lại khó khăn. Lâu nay, bà nghe nói nhiều về mã định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chưa hiểu rõ. Mới đây, Tổ công nghệ số cộng đồng xã đã đến tận nhà giải thích, hỗ trợ bà cài đặt ứng dụng VNeID, tạo tài khoản ngân hàng... “Giờ đây, tôi đã biết sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet để giao dịch các thủ tục hành chính (TTHC), chuyển khoản”, bà H’Lui nói.

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Ea Na hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Ea Na có 7 - 10 thành viên, phần lớn là đoàn viên, thanh niên phối hợp cùng với ban tự quản các thôn, buôn có nhiệm vụ chính là tuyên truyền về công tác chuyển đổi số. Anh Nguyễn Đức Huy, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Na cho biết, có một số người dân chưa hiểu biết nhiều về chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến. Do đó, các thành viên trong tổ đã đến tận nhà tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực của chuyển đổi số trong việc thực hiện TTHC, thanh toán trực tuyến; hướng dẫn thao tác sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đăng ký, kích hoạt mã định danh điện tử. Đồng thời hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở cửa hàng số, mở tài khoản thanh toán trực tuyến; sử dụng nền tảng số để quảng bá, giới thiệu, tạo thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn huyện Krông Ana có 72 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả thôn, buôn, tổ dân phố với 390 thành viên. Đây được coi là “mắc xích” thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ sở. Các tổ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền thông, hướng dẫn người dân cài đặt một số ứng dụng cơ bản, thiết thực trong cuộc sống. Nhờ sự hỗ trợ đắc lực của tổ, nhiều người dân ở các thôn, buôn đã biết sử dụng điện thoại thông minh thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu TTHC, cài đặt ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến… Ông Nguyễn Quang Triều, buôn Tuôr A (xã Dray Sáp) chia sẻ: "Tổ công nghệ số cộng đồng của xã đã đến tận nhà hỗ trợ tôi cài đặt ứng dụng VNeID, tạo tài khoản trên dịch vụ công. Tôi cũng không ngờ, ứng dụng lại tích hợp nhiều thứ trong một tiện lợi đến vậy".

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Bình Hòa hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, nhiều tiêu chí, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, thành viên của tổ công nghệ số phần lớn là cán bộ bán chuyên trách tại địa phương nên việc tiếp cận các quy định, quy trình chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng cho thành viên trong tổ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước về chuyển đổi số nhằm phát huy vai trò đắc lực, đưa ứng dụng công nghệ đến gần hơn nữa với người dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.