Xây dựng chi bộ “bốn tốt” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng là chi bộ, nơi quán triệt và đưa ra các biện pháp chấp hành triệt để các nghị quyết của Đảng; nơi trực tiếp đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; trực tiếp vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng.
Chi bộ tốt thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng mới được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”.
Đề cập đến vai trò của các chi bộ đảng, ngay từ năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”. Ngày 30/1/1961, nói chuyện tại Hội nghị phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ III về kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người chỉ rõ: “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” bao gồm:
Thứ nhất, chi bộ tốt là phải có “đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng Đảng tốt thì phải có đảng bộ tốt, chi bộ tốt. Muốn có đảng bộ tốt, chi bộ tốt thì phải có đảng viên tốt. Các đảng viên phải luôn luôn ghi nhớ mười nhiệm vụ đảng viên”. Đảng là tập hợp của rất nhiều cá nhân đảng viên, Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt. Do vậy, việc tăng cường giáo dục, rèn luyện nhân cách và nâng cao chất lượng đảng viên là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng và phát triển của mỗi chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là tính gương mẫu, tiên phong của người đảng viên. Người luôn nhắc nhở đảng viên làm bất cứ việc to, việc nhỏ, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tự mình nêu gương trước nhân dân. Sức mạnh chi bộ là tổng hợp tài, đức của mỗi đảng viên trong chi bộ, do đó mỗi đảng viên phải thực sự bình đẳng, thân ái, đoàn kết với nhau.
Thứ hai, chi bộ tốt là phải “chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Nhiệm vụ của chi bộ là: Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ và hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân; làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính; làm sao để những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá… bị loại trừ.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Cư Mlan (huyện Ea Súp) kiểm tra việc tổ chức sinh hoạt chi bộ của cấp ủy Chi bộ thôn 1. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Thứ ba, chi bộ tốt là phải “một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, nội dung quan trọng nhất trong công tác xây dựng chi bộ vững mạnh chính là đảng viên phải thấm nhuần và đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Mỗi đảng viên dù ở đâu, vào lúc nào và làm bất cứ việc gì, cũng phải đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên hết và trước hết. Người đảng viên phải trung thành vô hạn với Đảng, với cách mạng, không nên coi lợi ích riêng to lớn hơn lợi ích của Đảng mà phải biết đem lợi ích của mình đặt dưới lợi ích của Đảng, của nhân dân.
Thứ tư, chi bộ tốt là “đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt”. Để có chi bộ tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương chi bộ phải thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy và phát triển đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng. Trong lãnh đạo, Người đánh giá về mức độ thực hiện chức trách của chi bộ và tính gương mẫu của đảng viên tác động đến kết quả công việc. Bên cạnh đó, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảng viên phải có trách nhiệm đóng góp vào việc dự thảo và hoàn thiện văn kiện, từ đó nắm vững nghị quyết để thực hiện cho đúng, bởi: “Thảo luận các văn kiện đại hội Đảng là một dịp học tập tiến bộ. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cần căn cứ vào những văn kiện đó, liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa. Vì mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng “sâu rễ, bền gốc” từ cơ sở, là công việc phải làm thường xuyên, liên tục. Thực tiễn cũng đã chứng minh, nơi nào tổ chức Đảng yếu kém, đảng viên suy thoái, đánh mất vai trò, thì nơi đó phong trào chung sẽ sa sút. Do đó, việc xây dựng chi bộ “bốn tốt” phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, phải được coi là nguyên tắc quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện phương thức tổ chức và phát triển các tổ chức cơ sở đảng.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc